Ung thư trẻ em: Nhiều trường hợp phát hiện muộn
Quan điểm ung thư chỉ mắc ở người lớn là sai lầm |
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong tháng 2 này, có tới hai ngày để nhắc nhở mọi người cảnh giác với căn bệnh ung thư. Ngày ung thư thế giới 4/2 và ngày 15/2 là Ngày quốc tế phòng chống ung thư ở trẻ em. Bởi lẽ, việc cảnh báo ung thư ở trẻ em đang ngày càng đáng quan tâm và cảnh báo.
Ung thư trẻ em - một khái niệm đã không còn mới, nhưng có một thực tế là trong cộng đồng, không ít người quan niệm ung thư chỉ có ở người lớn tuổi. Phòng chống ung thư ở trẻ em vì thế còn nhiều hạn chế và không ít ca bệnh được phát hiện rất muộn, để lại những nỗi day dứt khôn nguôi trong tâm trí những bậc cha mẹ có con em không may sớm phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo.
Phát hiện sớm bệnh thì khả năng điều trị ung thư ở trẻ khả quan hơn nhiều |
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, quan niệm ung thư chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, còn khá phổ biến trong xã hội
Trong khi trên thực tế, có những trường hợp được phát hiện từ trong bào thai. Thế nhưng, trong khi gia đình không ngờ con nhỏ mắc ung thư đã đành, đến cả các bác sĩ cũng có người không ngờ đến và vì thế chẩn đoán không chính xác bệnh
Hàng ngày, những buổi phát thuốc cho các bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện K vẫn rất đông. Số trẻ mắc chứng bệnh hiểm nghèo này đang có chiều hướng tăng trong những năm gần đây. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện K cho biết: "Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận gần 200 ca mới. Đáng buồn là, không ít bệnh nhi nhập viện khi đã ung thư giai đoạn cuối".
Từ thực trạng trên, có thể thấy phát hiện sớm ung thư ở trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng bởi khi ung thư phát triển trên nền tế bào non trong cơ thể trẻ, gặp thuốc sẽ chịu tác động nhanh. Theo đó, tỷ lệ sống thêm ở trẻ rất cao, lên đến 70%. Vậy làm thế nào để phát hiện sớm ung thư? - Lời khuyên của các bác sĩ là: các bậc cha mẹ hãy dành thời gian cho con nhiều hơn, chơi với con, quan sát con nhiều hơn. Đồng thời đừng chủ quan và đừng bỏ qua những triệu chứng tưởng như là các chứng bệnh thông thường nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ báo hiệu ung thư như: giảm cân đột ngột, mệt mỏi, xanh xao; đau ở xương và khớp khi chơi hoặc khi tham gia vào các hoạt động khác; đau kéo dài không lý giải được, đau đầu kèm theo nôn; xuất hiện khối u hoặc sưng nề bất thường ở cổ, nách, háng và bụng; sốt kéo dài không rõ nguyên nhân; dễ xuất hiện vết bầm tím (tụ máu) và chảy máu không lý giải được; xuất hiện đốm trắng nhờ trên võng mạc.