Tương lai nào cho các triển lãm ô tô truyền thống?
Năm ngoái, một loại thương hiệu lớn như Bentley, Lamborghini, Aston Martin, Ford, Volvo và Rolls-Royce đã bỏ qua Triển lãm ô tô Paris. Bên cạnh lý do cắt giảm chi phí tốn kém cho các gian trưng bày xe tại triển lãm, các hãng cũng nêu ra lý do là muốn tập trung tiếp cận khách hàng thông qua các hình thức hợp thời và hiệu quả hơn, như mạng xã hội, blog và các sự kiện nhỏ nhưng có tính tập trung khách hàng cao hơn.
Việc các nhà sản xuất ô tô lớn không muốn tham gia, cùng với nhiều nhà sản xuất đã đăng ký nhưng sau đó lại rút đơn đã dẫn tới việc ban tổ chức phải huỷ bỏ Triển lãm ô tô quốc tế AMI 2016 tại Leipzig, trong khi đây là triển lãm ô tô lớn thứ hai của Đức, được tổ chức xen kẽ 2 năm/lần với triển lãm IAA ở Frankfurt.
Và năm nay, Triển lãm ô tô Frankfurt đang phải đối mặt với vấn đề tương tự.
Ngoài hai thương hiệu Peugeot và DS thuộc PSA Group, các hãng Nissan, Infiniti, Fiat, Jeep và cả Alfa Romeo đều được cho là sẽ không tham gia triển lãm năm nay vì các lý do tài chính.
Tuy nhiên, theo trang Autonews, ban tổ chức - VDA - cho biết dù một số nhà sản xuất ô tô không tham gia triển lãm năm nay, nhưng vẫn có hơn 50 hãng khác của châu Âu, Mỹ và châu Á có kế hoạch tham gia.
Trong số đó có nhiều nhà sản xuất trẻ châu Á lần đầu tiên tham gia, cùng những công ty công nghệ quốc tế lớn như Qualcomm, Sony và IBM.
"Tất nhiên là chúng tôi rất tiếc khi một số hãng sẽ không tham gia triển lãm năm nay ở Frankfurt. Mỗi công ty đều có lý do cụ thể khác nhau, nhưng chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính và chính sách của doanh nghiệp," giám đốc VDA, ông Klaus Braeunig cho biết. "Tuy nhiên, các hãng đều nói vẫn quan tâm đến các triển lãm ô tô lớn và sẵn sàng trở lại trong tương lai".
Về Tập đoàn PSA, thương hiệu Citroen sẽ vẫn tham gia triển lãm năm nay để ra mắt một sản phẩm mới, trong khi Peugeot và DS không tham gia vì muốn tiếp cận với khách hàng thông qua các phương thức marketing khác.
Nissan bỏ qua sự kiện IAA năm nay ở Frankfurt do đang rà soát lại toàn bộ chiến lược sự kiện và triển lãm của cả công ty. "Trong tương lai, chúng tôi sẽ áp dụng chiến lược linh hoạt, kết hợp các sự kiện ô tô, tiêu dùng và sự kiện riêng của công ty để mở rộng sự tiếp cận với khách hàng," một người phát ngôn của Nissan châu Âu cho biết.
FCA , tập đoàn sở hữu các thương hiệu Alfa Romeo, Chrysler, Fiat, Jeep..., từ chối đưa ra thông báo chính thức; tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết họ cũng sẽ không tham gia triển lãm năm nay. Trong khi đó, theo trang Automobilwoche, Mitsubishi và Volvo cũng sẽ vắng bóng.
Một diễn biến đáng chú ý khác là trong khi các sự kiện chuyên ngành ô tô ngày càng tỏ ra kém hấp dẫn các hãng xe thì các triển lãm trái ngành, như Triển lãm điện tử tiêu dùng CES hay triển lãm hàng cao cấp Monaco Top Marques..., lại có sự hiện diện của ngày một đông các thương hiệu ô tô.
Bên cạnh đó, các hãng xe cũng chú trọng tổ chức các sự kiện riêng hơn, để có thể tiếp cận khách hàng một cách tập trung và có trọng điểm hơn. Ví như tháng 10 năm ngoái, Mercedes-Benz đã tổ chức ra mắt mẫu xe bán tải đầu tiên của hãng trong một sự kiện riêng, trong khi chỉ ít ngày nữa là diễn ra Triển lãm ô tô Paris. Hay như mới đây, Honda cũng đã trình làng CR-V thế hệ mới trước khi diễn ra Triển lãm ô tô Bangkok vài ngày, và đến triển lãm thì tập trung giới thiệu bản nâng cấp Modulo.
Việc tham gia triển lãm ô tô thường tiêu tốn của các hãng xe hàng triệu USD, vì phải đua tranh để gian hàng của mình gây chú ý, trong khi hiệu quả thu về được cho là không còn cao. Do đó, trong bối cảnh hầu hết các hãng đều đang phải thắt chặt chi tiêu, nếu không có cách thức tổ chức gì mới, các triển lãm ô tô đang có nguy cơ không còn là một điểm đến hấp dẫn.
Nhật Minh