Facebook trả tiền để “được” theo dõi smartphone của người dùng
Facebook vừa giới thiệu một ứng dụng mới với tên gọi Study, mà những người cài đặt ứng dụng này lên smartphone của mình sẽ đồng ý cho Facebook theo dõi mọi hoạt động và thu thập các thông tin của người đó trên smartphone, đổi lại Facebook sẽ trả tiền cho họ như những phần thưởng đạt được.
Các thông tin mà Facebook sẽ thu thập trên smartphone của người dùng thông qua ứng dụng Study có thể kể đến như các ứng dụng mà họ đã cài đặt trên smartphone, thời gian người dùng sử dụng các ứng dụng, quốc gia, loại điện thoại và loại nhà mạng mà người dùng đang sử dụng... Facebook khẳng định sẽ không thu thập các thông tin cá nhân như tài khoản, mật khẩu đăng nhập hoặc các nội dung cá nhân của người dùng như hình ảnh, video, tin nhắn...
Ứng dụng Study sẽ thu thập thói quen hoạt động của người dùng trên smartphone, bù lại Facebook sẽ trả tiền cho người dùng |
Facebook cho biết việc thu thập các thông tin trên smartphone của người dùng sẽ giúp Facebook nắm bắt được thói quen sử dụng smartphone của người dùng nhằm cải thiện các sản phẩm của công ty. Facebook khẳng định sẽ không sử dụng các thông tin thu thập được để hiển thị quảng cáo hoặc bán các thông tin này ra bên ngoài.
Hiện tại ứng dụng Study chỉ đang được thử nghiệm với người dùng tại Mỹ và Ấn Độ. Những người dùng Facebook tại 2 quốc gia này sẽ thấy xuất hiện các quảng cáo liên quan đến ứng dụng Study trên Facebook của mình, đây được xem như những lời mời để tham gia vào dự án của Facebook. Nếu người dùng nhấn vào các quảng cáo sẽ có tùy chọn để chấp nhận tham gia vào dự án của Facebook và sẽ được hướng dẫn cách cài đặt ứng dụng Study trên smartphone của mình.
Những người tham gia sẽ phải trên 18 tuổi và hiện tại ứng dụng Study chỉ mới hỗ trợ nền tảng Android, là nền tảng cho các phép các ứng dụng thu thập thông tin người dùng dễ dàng hơn so với ứng dụng iOS của Apple.
Facebook không tiết lộ số tiền sẽ trả cho những người tham gia dự án của hãng, nhưng cho biết “tất cả những người tham gia nghiên cứu sẽ được thưởng công”.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook ra mắt một ứng dụng thu thập thói quen sử dụng smartphone của người dùng nhằm mục đích “nghiên cứu”. Trước đó Facebook cũng đã ra mắt ứng dụng có tên gọi Facebook Research, tuy nhiên ứng dụng này đã phải ngưng hoạt động hồi tháng 1 vừa qua vì những tranh cãi cho rằng Facebook đã can thiệp quá sâu vào hệ thống để thu thập các thông tin của người dùng.
Việc ra mắt ứng dụng Study một lần nữa cho thấy Facebook đang thực sự cần các thông tin và thói quen sử dụng smartphone của người dùng vì các mục đích khác nhau của mạng xã hội này. Vấn đề còn lại là liệu người dùng có đủ tin tưởng để cho phép Facebook theo dõi mọi hoạt động của bản thân trên smartphone hay không, dù Facebook trả tiền cho người dùng để làm việc đó.