Vì sao Australia chuyển từ nước sản xuất sang nhập khẩu ôtô?
Đến cuối năm nay, các nhà sản xuất ôtô Mitsubishi, Ford, Holden (thuộc GM) và Toyota đều sẽ đóng cửa nhà máy, gần như dừng toàn bộ hoạt động sản xuất tại Australia, chuyển dây chuyền lắp ráp sang nước khác, nơi có chi phí sản xuất thấp hơn nhiều.
Ford khẳng định sẽ duy trì trung tâm phát triển sản xuất và cơ sở thử nghiệm của hãng sau khi ngừng các hoạt động sản xuất tại Australia vào năm ngoái, sau 91 năm bám trụ tại Australia. Holden cũng hé mở khả năng giữ lại trung tâm thiết kế toàn cầu của hãng sau khi dừng sản xuất vào cuối năm nay, nhưng không đề cập gì đến hoạt động nghiên cứu chế tạo. Trong khi đó, Toyota cho biết sau khi ngừng sản xuất, nhà máy sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng sang các hoạt động khác, vẫn do Toyota điều hành, và trụ sở chính vẫn nằm ở Cảng Melbourne.
Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng Ford và Holden, cũng như Toyota, sẽ chuyển hoạt động R&D tới gần các trung tâm sản xuất mới sau khi đóng cửa nhà máy tại Australia. Đặc biệt, mối lo hiện hữu là ngành công nghiệp phụ trợ của Australia cũng sẽ chết theo.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của ngành sản xuất ôtô Australia. Thị trường Australia quá nhỏ và ngành công nghiệp ôtô không thể khai thác hết lợi thế kinh tế trên quy mô. Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, các hãng không còn cách nào khác là phải sử dụng nguồn cung từ nước ngoài, kể cả lao động và linh kiện, phụ tùng. Tình hình thị trường nội địa Australia trở nên kém hấp dẫn, do thuế nhập khẩu thấp và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do khiến việc nhập khẩu hàng hoá dễ dàng hơn; các tổ chức công đoàn yêu cầu tăng tiền lương và nâng cao điều kiện làm việc; và sự lên giá của đồng đô-la Australia (AUD).
Chi phí nhân công cao
Trong khi mức lương trung bình ở Thái Lan là chưa đến 2 USD/giờ thì công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp ôtô được trả cao hơn nhiều - khoảng 6 USD/giờ, tương đương gần 12.500 USD/năm. Tuy nhiên, con số đó chưa là gì so với mức lương 69.000 USD/năm của công nhân ngành ôtô ở Australia.
Năm 2007, Ford từng tuyên bố sẽ lắp ráp xe Focus tại Australia, nhưng đúng 2 năm 1 ngày sau đó, công ty huỷ bỏ kế hoạch này. Thái Lan mới là nơi Ford chọn để sản xuất Focus, phần nhiều do chi phí rẻ hơn.
Tuy nhiên, chi phí nhân công thấp không phải là lý do duy nhất khiến ngành công nghiệp ôtô Australia mất lợi thế cạnh tranh.
Thiếu sự bảo vệ và hỗ trợ
Australia có lẽ là nước duy nhất trên thế giới sản xuất ôtô mà không áp dụng một số biện pháp bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Nhiều ý kiến cho rằng Kế hoạch phát triển ngành ô tô của Bộ trưởng Công nghiệp Australia John Button vào năm 1984 (còn gọi là “Kế hoạch Button”) là nguồn cội cho sự sụp đổ của ngành công nghiệp ôtô nước này. Trước đó, thị trường xe du lịch của Australia được bảo vệ bởi mức thuế khá cao - lên tới 57,5% vào năm 1978, cùng chính sách ấn định hạn ngạch nhập khẩu 20% đối với các xe có sản xuất trong nước và các quy định về tỷ lệ nội địa hoá.
Mục tiêu của "Kế hoạch Button" là tăng tính cạnh tranh của ngành ôtô bằng cách cắt giảm thuế, để các nhà sản xuất ôtô phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập, ép các doanh nghiệp ôtô trong nước phải liên doanh liên kết để củng cố sự mạnh và cuối cùng là giúp ngành ôtô Australia cạnh tranh được với ngành ôtô của các nước khác. Tuy nhiên, khi thuế được cắt giảm, đồng đô-la Australia bắt đầu tăng, gần gấp đôi, từ mức 0,51 AUD/1 USD lên 0,94 AUD/1 USD vào giữa những năm 2000; sau đó giảm xuống trong năm 2008-2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, rồi lại tăng mạnh, lên mức 1,09 AUD/1 USD vào năm 2011, mức cao nhất kể từ đầu thập niên 80, khi thuế và các hàng rào khác còn đang bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất của Australia khỏi sự tranh tranh của nước ngoài.
Vậy là, không như kỳ vọng của kế hoạch Button, giờ đây, với GM, việc sản xuất ôtô ở Australia đắt hơn ở các nước khác khoảng 2.000 USD/chiếc.
Vào năm 2010, Australia là nước có mức thuế thấp thứ ba trong số các nước lớn có ngành công nghiệp ôtô.
Với dân số khoảng 23 triệu người, bằng khoảng 2/3 của Canada, thị trường Australia quá nhỏ và phân tán để các nhà sản xuất ô tô có thể xây dựng nhà máy quy mô lớn. Xuất khẩu ôtô của Australia sang Trung Đông và Mỹ trở nên kém cạnh tranh. Trong khi đó, chính người tiêu dùng Australia cũng bắt đầu quay lưng với xe lắp ráp trong nước.
Mitsubishi Motors là hãng xe đầu tiên quyết định dừng sản xuất tại Australia vào năm 2008. Ford theo sau, với tuyên bố vào năm 2013 rằng sẽ dừng sản xuất tại hai nhà máy ở Adelaide. Giám đốc Ford Australia khi đó cho biết chi phí sản xuất ôtô tại đây cao gấp đôi ở châu Âu và gấp gần 4 lần ở châu Á.
Thủ tướng Tony Abbott của Australia ngay khi mới nhậm chức vào năm 2013 đã tuyên bố rõ ràng quan điểm không trợ cấp cho các ngành công nghiệp lớn, như ôtô.
Holden từng yêu cầu chính phủ Australia hỗ trợ 275 triệu USD để có thể duy trì hoạt động, khiêm tốn hơn nhiều so với con số hơn 700 triệu USD mà Chrysler yêu cầu ở Canada. Tuy nhiên, chính phủ dưới sự điều hành của thủ tướng Abbott đã thẳng thừng từ chối; và Holden đã huỷ kế hoạch duy trì sản xuất ở nước này ít nhất đến năm 2022. Công ty tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy vào cuối năm 2017 này. Và cuối cùng là Toyota cũng thông báo sẽ rút mọi hoạt động sản xuất tại Australia vào cuối năm nay.
Hiệp định thương mại tự do với Thái Lan
Hiện tại, nhập khẩu ôtô vào Australia nhiều nhất là từ Thái Lan do nhu cầu tiêu thụ xe bán tải gia tăng và giữa hai nước có ký kết Hiệp định thương mại tự do; kế đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Mỹ.
Hiệp định thương mại tự do ký kết với Thái Lan vào năm 2005 được xem như cú đấm hạ đo ván ngành công nghiệp ôtô Australia vốn đang gặp khó.
Kể từ khi nhất trí dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với ôtô từ Thái Lan, Australia đã nhập khoảng 2 triệu xe từ đất nước láng giềng châu Á-Thái Bình Dương này, từ nhiều thương hiệu khác nhau, như Ford, Holden, Toyota, Honda, Nissan, Mitsubishi, Mazda...
Trong khi đó, Australia chỉ xuất được 100 xe sang Thái Lan trong năm 2012.
Lý do là Thái Lan có nhiều rào cản phi thuế quan, trong khi Australia mở toang cửa cho xe nhập.
Thái Lan vẫn áp dụng chính sách thu phí đăng ký cao hơn đối với các xe sử dụng động cơ dung tích lớn - phân khúc chủ lực của Ford và Holden. 10 năm sau khi hiệp định thương mại tự do được ký kết, Australia chứng kiến sự phá sản của ngành công nghiệp ôtô, với hơn 50.000 người mất việc làm (tính cả trong ngành phụ trợ).