Từ VINFAST nghĩ về giấc mơ ô tô Việt
Tập đoàn Vingroup mới khởi công Dự án tổ hợp sản xuất ôtô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (TP Hải Phòng) với mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á có công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Sản phẩm chủ lực của VINFAST là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường đang được dư luận hết sức quan tâm.
Dưới góc nhìn của người từng làm chính sách công nghiệp, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT Việt Nam cho rằng, mục tiêu của tập đoàn này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu có cơ chế chính sách phù hợp.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về việc Tập đoàn Vingroup đầu tư vào lĩnh vực ô tô với dự án “tỷ đô”VINFAST?
Ông Phan Đăng Tuất: Tôi vui mừng khi có 1 tập đoàn của Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp ô tô một cách mạnh mẽ và quyết tâm như Vingroup. Tôi hy vọng đó là một quyết định đúng của tập đoàn này.
Ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT Việt Nam. |
Nói về khả năng và triển vọng, tôi nghĩ chắc chắn trước khi quyết định đầu tư vào VINFAST, Vingroup đã có nghiêm cứu rất chi tiết và khoa học. Cá nhân tôi vẫn cho rằng, công nghiệp ô tô và xe máy điện sẽ có cơ hội thị trường rất lớn ở Việt Nam.
Vấn đề là trong thị trường cạnh tranh ấy, VINFAST sẽ chọn phân khúc nào, thực thi ra sao để tạo được sự khác biệt, từ đó dành được thị trường là một câu chuyện lớn trong chiến lược. Tôi cũng hy vọng là họ cũng đã nghĩ đến điều này.
Tất nhiên, các công ty địa phương bao giờ cũng có thế mạnh của họ. Với tâm lý, tập tục, hoàn cảnh của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay, chắc hẳn những nghiên cứu khả thi của Vingroup, sự gần gũi của họ với khách hàng sẽ là điều kiện rất tốt để họ phát triển.
Tuy nhiên cũng có thể nói rằng, cơ hội của VINFAST là có, nhưng để dành được cơ hội và hiện thực hóa được các cơ hội lại là câu chuyện không đơn giản.
PV: Trước đây đã có 1 số doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp ô tô với giấc mơ cho ra đời những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt Nam, như Vinaxuki nhưng đã thất bại. Vậy theo ông, để ước mơ của VINFAST trở thành hiện thực cần phải có những hỗ trợ cụ thể như thế nào về cơ chế chính sách cũng như thị trường?
Ông Phan Đăng Tuất: Tôi đã từng đến nhà máy của bác Bùi Ngọc Huyên – ông chủ của ô tô Vinaxuki. Có thể thấy, mong muốn và hoài bão của bác Huyên rất lớn, thời kì đó cũng có nhiều cơ hội cho phát triển công nghiệp ô tô nhưng đáng tiếc là nguồn lực của bác Huyên lại có hạn.
Nhưng bây giờ với Vingroup, tôi nghĩ là họ có thế mạnh về nguồn lực (tôi nghĩ vậy khi đọc báo cáo về nguồn lực của họ trên mạng). Họ đã có các điều kiện cần thiết về nội lực, bây giờ chỉ còn các yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là các yếu tố về chính sách, nhất là các chính sách chuyên biệt hơn nữa cho công nghiệp ô tô, đặc biệt là với công nghiệp nội địa thì họ sẽ thành công.
Khi phát triển công nghiệp ô tô nội địa, dù không vi phạm các FTA, các cam kết thương mại quốc tế nhưng vẫn phải nghiên cứu kỹ để có những hướng dẫn, những chính sách chuyên biệt nếu thực sự muốn giúp cho các doanh nghiệp ô tô nội địa phát triển.
Trên thế giới, việc phát triển công nghiệp ô tô của nhiều nước Hàn Quốc hay Thái Lan và Malaysia đều cho chúng ta những bài học kinh nghiệm. Một trong những đánh giá về công nghiệp ô tô của các nước đang phát triển, thường là kém thành công hoặc không thành phần rất lớn đều có tác động của chính sách.
Cho nên tôi nghĩ, phải có những chuyên gia am hiểu sâu về công nghiệp ô tô. Như tôi hay nói bằng cảm xúc là “yêu công nghiệp ô tô”, có trách nhiệm với ô tô nội địa… khi đấy mới có dược những chính sách gần với mong muốn của các doanh nghiệp, từ đó giúp họ phát triển.
PV: Việc Bộ Tài chính giảm hàng loạt các dòng thuế nhập khẩu linh kiện ô tô sẽ tạo ra những cơ hội gì cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và VINFAST, thưa ông?
Ông Phan Đăng Tuất: Tôi nghĩ là Dự thảo về thuế nhập khẩu linh kiện ô tô mà Bộ Tài chính vừa trình là một dự thảo rất dễ được ủng hộ bởi vì thị trường ASEAN về ô tô từ 1/1/2018 sẽ có sự thay đổi.
Việc Bộ Tài chính dự kiến sẽ đánh thuế phân loại các nhóm chi tiết linh kiện với các loại thuế suất khác nhau là rất khoa học. Điều này không ngoài mong muốn khuyến khích các doanh nghiệp nội địa sản xuất linh kiện.
Tôi cho rằng, nếu VINFAST nắm bắt được cơ hội này và tạo được một sự liên kết với nhiều doanh nghiệp trong nước thì cơ hội của VINFAST sẽ lớn hơn.
PV: Ông có kỳ vọng vào sự thành công của VINFAST với mục tiêu trở thành hãng sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 60%?
Ông Phan Đăng Tuất: Tôi hi vọng là VINFAST sau 2 - 3 năm xây dựng nhà máy, trong quá trình phát triển của họ, nếu họ thực sự cầu thị và thực sự quyết tâm và có nguồn lực, đặc biệt là có được sự hỗ trợ của chính sách thì những kỳ vọng ấy hoàn toàn có thể trở thành sự thực.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương):
Chỉ còn thời gian ngắn nữa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN sẽ trở về bằng 0. Thị trường ô tô Việt Nam mặc dù có gần 100 triệu dân nhưng cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, tâm lý người Việt Nam vẫn sính ngoại trong khi sản phẩm ô tô lại là mặt hàng có giá trị.
Nhưng chắc hẳn Vingroup đã có sự tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Tôi đánh giá cao việc đầu tư vào lĩnh vực ô tô của Vingroup, nhưng tôi vẫn cho rằng đây vẫn là sự đầu tư mạo hiểm./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN