Từ khởi nghĩa Bắc Sơn đến căn cứu địa Bắc Sơn - Võ Nhai
Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9/1940. (Ảnh tư liệu) |
Sau khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ vào tháng 9/1939, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng ở Việt Bắc. Tháng 9/1940, Phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp nhanh chóng thất thủ và rút chạy qua đường Bắc Sơn, Đình Cả về Thái Nguyên. Chính quyền tay sai lung lay, suy sụp. Cơ hội một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền đã đến.
Đêm 27/9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Hơn 600 quần chúng, được vũ trang bằng các loại vũ khí như: súng trường, súng kíp, giáo mác, gậy gộc... chia thành 3 mũi tiến công đánh đồn Mỏ Nhài. Trước sức tiến công của cách mạng, quân địch nhanh chóng tan rã. Mặc dù sau đó bị khủng bố và đàn áp dã man, song cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cuộc khởi nghĩa đã tạo ra lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo, sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân, làm nòng cốt cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Vũ Nhai.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khẳng định: “Căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai mà sau này ta gọi là hậu phương căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến có vai trò quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đến sự thành công của sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Đây là căn cứ địa đầu tiên để từ đó phong trào cách mạng và căn cứ địa khác được thành lập liên tiếp ở 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang”.
Lược đồ Khởi nghĩa Bắc Sơn. |
Chủ trương hình thành căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai đã thực sự được hiện thực hóa từ Hội nghị Trung ương VIII (tháng 5/1941). Xác định nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn này là: “Chuẩn bị khởi nghĩa”, hội nghị đã quyết định “lấy miền núi rừng Việt Bắc để xây dựng căn cứ vũ trang”, trước hết là căn cứ Cao Bằng và căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Một vùng rừng núi rộng lớn nối liền nhau thuộc châu Bắc Sơn và các xã Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá thuộc châu Vũ Nhai trở thành trung tâm căn cứ.
Thông qua diễn biến của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, phong trào cách mạng Thái Nguyên được đẩy lên cao một bước. Ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá (Võ Nhai), đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II với 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 22 chiến sĩ là con em xã Tràng Xá.
Rừng Khuôn Mánh ( Tràng Xá, Võ Nhai) - Nơi ra đời Đội Cứu quốc quân II năm xưa |
Ông Hà Văn Siên - Thân nhân chiến sỹ Đội Cứu quốc quân II năm xưa kể lại: “Khi được cán bộ cách mạng đến vận động là chú tôi tham gia luôn và trở thành tiểu đội trưởng của một trong bốn tiểu đội của đội Cứu Quốc quân II. Đây cũng là tiểu đội dũng cảm, mưu trí và quyết đoán lập được nhiều chiến công nhất”.
Sau một thời gian, Cứu Quốc quân II phát triển lực lượng lên 46 chiến sĩ, được biên chế thành 5 tiểu đội, với trang bị vũ khí còn rất thô sơ, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn. Nhưng với tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, ngay từ ngày đầu thành lập, các chiến sĩ của Trung đội Cứu Quốc quân II đã dũng cảm xả thân quên mình bước vào cuộc chiến đấu với quân thù, lập nhiều chiến công hiển hách.
Đồng chí Phạm Văn Thọ - Bí thư Huyện ủy Võ Nhai khẳng định sức mạnh của những giá trị lịch sử: “Ngày 21/3/1945 là ngày giải phóng Võ Nhai. Đây là một trong những huyện được giải phóng sớm nhất của cả nước. Chúng tôi rất tự hào và đang cố gắng giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết cố gang phấn đấu xây dựng quê hương Võ Nhai ngày càng giàu đẹp”.
80 năm đã trôi qua, nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn luôn có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc hiện thực hóa quan điểm đấu tranh vũ trang, giành chính quyền cách mạng khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng căn cứ đại cách mạng, đồng thời là tiền đề quan trọng để Đảng ta lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa./.