Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh: Tỏ rõ sự minh triết trong thời đại cách mạng 4.0
Đào tạo lại đội ngũ giáo viên là việc phải làm trước tiên khi tiến hành cải cách giáo dục - đó chính là điều chúng ta rút ra được từ triết lý giáo dục Hồ Chí Minh. |
Giáo dục coi trọng đạo đức
Thực tế cho thấy chỉ cái đúng, cái có lý mới vượt qua được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian. Triết lý giáo dục Hồ Chí Minh đã tỏ rõ tính tiên phong và hiện đại khi một loạt các nguyên tắc giáo dục mà Người đưa ra từ nửa thế kỷ trước đã được UNESCO tái khẳng định và thực tiễn hôm nay chứng minh là đúng đắn.
Về mục tiêu giáo dục, nếu từ năm 1949, trong sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ” thì trong Báo cáo Delors công bố năm 1966, UNESCO cũng đề xuất 4 trụ cột: “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để làm người”.
Mục tiêu cuối cùng của việc học là trở thành người , hoàn thiện năng lực người theo đúng nghĩa của từ này. Đúng như một triết gia đã nói, “Thượng đế cho ta bộ mặt để biết ngẩng lên nhìn trời cao”. Giáo dục phải khơi dậy niềm kiêu hãnh khi được làm người và ý thức hoàn thiện nhân cách để thực sự thành người.
Triết lý giáo dục coi trọng đạo đức của Hồ Chí Minh tỏ rõ sự minh triết trong thời đại cách mạng 4.0. Khi con người ta đã sáng chế ra trí tuệ nhân tạo, các rôbốt thông minh, các máy tính siêu thông minh thì sự phân biệt giữa người và máy chỉ còn là tình cảm và đạo đức. Nếu không có đạo đức làm nền tảng thì con người sẽ thua xa người máy với trí tuệ nhân tạo. Chỉ có đạo đức mới làm cho con người trở thành “thống soái” trong thế giới vạn vật do chính con người đã tạo ra.
Chủ trương phát huy cao độ tinh thần sáng tạo của người học trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh hoàn toàn tương thích với yêu cầu của cuộc sống hôm nay. Trong thời đại thông tin, lượng tri thức tăng lên rất nhanh và cũ đi cũng rất mau. Tham vọng trang bị đầy đủ kiến thức cho người học rõ ràng là không thể và không cần thiết. Nếu không giáo dục cho người học tinh thần sáng tạo, sự độc lập trong suy nghĩ thì người học sẽ rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu tri thức vì trước mắt họ luôn có một khối lượng thông tin khổng lồ nhưng trong đó không ít “thông tin rác”.
Việc thực hiện triết lý giáo dục khơi nguồn sáng tạo của Hồ Chí Minh sẽ làm cho việc học trở thành niềm hứng khởi của công cuộc khám phá tri thức và người học không phải chịu nỗi nặng nhọc của một con tàu chở nhiều tri thức, trong đó không ít tri thức đã bị già cỗi cùng thời gian.
Năng lực sáng tạo sẽ giúp con người trở nên tự do, không bị trói buộc vào những tín điều cũ kỹ. Thực hiện triết lý học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, “bằng thật - học giả” hiện nay và đào tạo ra những con người “thực học” để có “thực nghiệp” trong tương lai.
Tự học suốt đời
Triết lý giáo dục phát huy tinh thần tự học và ý thức tự học suốt đời của Hồ Chí Minh ngày càng tỏ rõ sự đắc dụng của nó. Nếu nền giáo dục trước đây hướng tới việc “học một lần để làm việc cả đời” thì nay chúng ta phải “học cả đời để thích ứng với công việc và cuộc sống hàng ngày”.
Triết lý “Học suốt đời” mà UNESCO hiện đang đề cao thực chất đã được Hồ Chí Minh đề ra và thực hành cách đó nửa thế kỷ. Một điều hiển nhiên là con người phải học suốt đời nhưng không thể đến trường suốt đời nên nhà trường ở cấp nào cũng phải giáo dục cho người học tính chủ động và kỹ năng tự học.
Tuy nhiên, yêu cầu này đặc biệt quan trọng ở bậc Đại học - nơi đào tạo các trí thức trẻ với chuyên môn sâu để họ có thể “đứng vững” trong thị trường lao động vốn nhiều thay đổi với tư cách một chuyên gia.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng đã đề ra chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Mặc dù Đảng ta không dùng cụm từ “Cải cách giáo dục” nhưng thực chất đây chính là một cuộc cải cách - một cuộc cải cách toàn diện ở tất cả bậc học, cải cách cả về nội dung, phương pháp lẫn mô hình quản lý giáo dục...
Cuộc cải cách đó đương nhiên sẽ rất tốn kém nhưng yếu tố đầu tiên quyết định sự thành bại của cuộc cải cách này chính là chất lượng của đội ngũ giáo viên - lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ biến tư tưởng cải cách thành hiện thực. Lúc này, nếu không có chiến lược tổng thể để cải thiện đời sống, nâng cao năng lực, quyết tâm đổi mới của giáo viên cũng như chế tài để buộc họ phải đổi mới thì cuộc cải cách này cuối cùng cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”.
Cải cách giáo dục - đào tạo lại đội ngũ giáo viên
Đào tạo lại đội ngũ giáo viên là việc phải làm trước tiên khi tiến hành cải cách giáo dục - đó chính là điều chúng ta rút ra được từ triết lý giáo dục Hồ Chí Minh.
Do những quan điểm mang tính tiên phong, hiện đại trong triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học Việt Nam đề xuất ý tưởng phải “đăng ký bản quyền” với thế giới về vấn đề này.
Tầm nhìn của Hồ Chí Minh về giáo dục còn thể hiện ở việc Người sớm nhận ra những vấn nạn của nền giáo dục hiện nay như “dịch” mở trường khi chưa đủ điều kiện và không tính đến nhu cầu xã hội, nạn “sính bằng cấp”, nạn “dạy chay, học chay”... Bằng việc ký Sắc lệnh về việc thiết lập một Quỹ tự trị cho trường Đại học Việt Nam(10/10/1945), Hồ Chí Minh đã chuẩn y quyền tự chủ của trường Đại học, trong đó có sự tự chủ về kinh tế - điều mà nhiều cơ sở giáo dục hiện đang mong muốn.
Có thể khẳng định rằng: Trong nền kinh tế tri thức hiện nay, sự phát triển của một đất nước không phụ thuộc vào tài nguyên mà chủ yếu phục thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực - sản phẩm của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Nếu so sánh giữa triết lý giáo dục Hồ Chí Minh với thực trạng giáo dục Đại học Việt Nam hiện nay, chúng ta nhận thấy một sự sai lệch rất lớn.
Kết quả là nền giáo dục Đại học Việt Nam đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần khắc phục nhưng nổi lên hai vấn đề lớn lớn sau đây.
Thứ nhất, do chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nên hiện có khoản 225.500 cử nhân và thạc sỹ thất nghiệp.
Thứ hai, các trường Đại học còn hạn chế về các công bố quốc tế và các công trình nghiên cứu ít được ứng dụng vào thực tế. Trước thực trạng đó, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng thừa nhận: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp”. Chẳng vậy mà “cho con du học” đang trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình trung lưu và điều này góp phần làm “chảy máu” lượng ngoại tệ ít ỏi của đất nước.
Để khắc phục những mặt tồn tại đó, cải cách giáo dục Đại học là một bước đi tất yếu. Tuy nhiên, đây là công việc vừa mang tính cấp bách, vừa đòi hỏi một sự thận trọng thỏa đáng vì sản phẩm của giáo dục là con người và giáo dục không được phép tạo ra các phế phẩm người.
Cải cách giáo dục cũng là công cuộc mang tính lâu dài bởi kết quả của nó chỉ có thể xác định bằng chất lượng của các thế hệ người do nó đào tạo. Khó khăn của công cuộc cải cách giáo dục Đại học hiện nay không chỉ do những bất cập hiện đang tồn tại mà chủ yếu là do những nhận thức rất khác nhau về cái mới cần thực hiện.
Cuộc cải cách này cũng rất phức tạp bởi nó tác động đến toàn xã hội nên lực lượng tiến hành phải chịu nhiều sức ép khác nhau. Trong hoàn cảnh đó, nếu không có triết lý giáo dục đúng đắn, được nhiều người ủng hộ để làm “la bàn” định hướng thì cải cách giáo dục sẽ không thể thành công, thậm chí càng cải cách sẽ càng rối nhiễu và trở thành “đẽo cày giữa đường”. Do đó, việc quan trọng đầu tiên phải làm khi tiến hành đổi mới giáo dục chính là đổi mới triết lý giáo dục.
Triết lý giáo dục – thay đổi về chất của cả hệ thống giáo dục hiện hành
Nói tới đổi mới triết lý giáo dục thì không chỉ là những sửa đổi, điều chỉnh đơn lẻ mà việc này sẽ “đụng” tới tầng sâu bản chất của hoạt động giáo dục, làm thay đổi về chất cả hệ thống giáo dục hiện hành.
Lúc này, chúng ta phải hướng tầm mắt ra thế giới để học hỏi kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến nhưng quan trọng hơn, chúng ta phải biết vận dụng và phát triển sáng tạo triết lý giáo dục Hồ Chí Minh - một triết lý giáo dục đã thể hiện rõ tính tiên phong và khả năng thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam.
Một loạt các yêu cầu đặt ra đối với giáo dục đại học hiện nay như phải chuyển từ việc dạy những cái mà nhà trường đang có sang dạy cái mà xã hội đang cần; chuyển từ việc trang bị kiến thức sang dạy phương pháp tư duy, phẩm chất đạo đức và kỹ năng; chuyển từ việc lấy thầylàm trung tâm sang việc lấy trò làm trung tâm hay việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học... thực chất đều đã được Hồ Chí Minh đề cập dưới hình thức này hay hình thức khác.
Vấn đề là chúng ta có thực tâm muốn khai thác và vận dụng sáng tạo kho báu đó hay còn mắc căn bệnh “vọng ngoại”? Thực hiện ý tưởng của Hồ Chí Minh về “một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”, lúc này, giáo dục Đại học Việt Nam có trách nhiệm đào tạo ra những“công dân toàn cầu”nhưng họ vẫn phải có tâm hồn Việt, tinh thần Việt bởi nếu mất bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi con người tức là mất nước.
Vì thế, cơ sở lý luận đầu tiên để xây dựng triết lý giáo dục đại học chính là triết lý giáo dục Hồ Chí Minh với tư cách là một giá trị văn hóa dân tộc.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng trăn trở để tìm ra triết lý giáo dục Việt Nam bởi Người hiểu rằng phát triển giáo dục chính là “chìa khóa” để phát triển con người và phát triển con người lại là “chìa khóa” để phát triển xã hội một cách bền vững nhất.
Với tầm nhìn vượt thời đại, cho đến nay, triết lý giáo dục của Người vừa có sự tương thích với các quan điểm giáo dục hiện đại, vừa phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Tiếp tục khai thác triết lý giáo dục Hồ Chí Minh để cụ thể hóa nó vào chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, mô hình quản lý ... không đơn thuần là nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, tức Bộ Giáo dục và đào tạo mà là trách nhiệm chung của toàn hệ thống chính trị, trước hết là của Đảng và của những người làm công tác giáo dục ở nước ta hiện nay./.
PGS.TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền