Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải mã gene ở Việt Nam
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, lĩnh vực y tế đã có thay đổi. Sự kết hợp đồng bộ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ giải mã gene, xử lý ảnh... giúp ngành y tế có thể chẩn đoán bệnh theo một cách mới, khác cách thông thường đang triển khai hiện nay. Đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo và giải mã gene trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Giải mã gene - Chẩn đoán chính xác bệnh
Việc ứng dụng di truyền học trong cải thiện việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, giải mã gene để chẩn đoán chính xác bệnh đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu.
Công trình giải mã gene thể hiện một thành công vượt bậc của công nghệ sinh học để dò tìm những biến thể có nguy cơ gây bệnh, giúp cải thiện sức khỏe con người tốt hơn.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu, đánh giá cho thấy đây là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, nhiều người muốn biết thông tin gene, cơ địa của mình để có thể sống mạnh khỏe.
Sau khi giải mã gene, giải trình tự xong, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, mỗi cá nhân có thể biết đột biến gene riêng của mình, qua đó tìm đúng bác sỹ chuyên khoa cho vấn đề sức khỏe đang gặp phải, chỉ ra cách dùng thuốc và lên kế hoạch điều trị, cải thiện hướng chữa bệnh, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Giáo sư Gill Bejerano, Khoa Khoa học Dữ liệu Y sinh, Đại học Stanford đã chỉ ra rằng ứng dụng giải mã gene trong chẩn đoán bệnh có vai trò vô cùng quan trọng, giải mã gene giúp tìm ra những biến dị giải thích kiểu hình của bệnh nhân.
Việc giải mã gene kết hợp với ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chẩn đoán chính xác hơn, năng suất cao hơn do kết hợp được nhiều thông tin và các kết quả nghiên cứu trước đó. Phương pháp này giúp cho việc lên kế hoạch, cách dùng thuốc và phác đồ điều trị tốt hơn.
Giáo sư đồng thời cho rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gene ở Việt Nam rất tiềm năng.
Giáo sư Roy Perlis, Trường Đại học Y khoa Harvard, nhấn mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gene trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng có vai trò quan trọng, tuy nhiên, trên thế giới việc ứng dụng giải mã gene cũng gặp không ít thách thức.
Thực tế, trên thế giới đã phát triển nhiều mô hình ngân hàng gene để dò tìm những biến thể có nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, ngân hàng gene không thể tính hết sự đa dạng về chủng tộc trên thế giới nên dữ liệu tại đây có thể có những rủi ro bệnh từ những biến dị phát sinh ở các chủng tộc khác nhau.
Ứng dụng giải mã gene trong điều trị và chăm sóc sức khỏe là xu hướng của thế giới, hiện thị trường giải mã gene thế giới cũng rất lớn.
Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực này. Khu vực Đông Nam Á mới chỉ Singapore có Trung tâm giải mã gene nhưng chưa công khai các nghiên cứu.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải mã gene, xây dựng bản đồ gene người Việt...
Tuy nhiên, để xác định chính xác hệ thống gene của người Việt, cá nhân hóa phác đồ điều trị cho người Việt, Việt Nam nên xem xét việc hình thành Trung tâm giải mã gene, hướng tới nghiên cứu nghiên cứu về gene của người Đông Nam Á. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gene.
Cách tiếp cận mới
Tiến sỹ Cao Anh Tuấn, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Genetica Việt Nam và Mỹ, nhấn mạnh phân tích gene là việc dùng DNA (Deoxyribo Nucleic Axit) có trong các tế bào của cơ thể con người để xác định các yếu tố di truyền như tiềm năng, thể chất, dinh dưỡng, nguy cơ bệnh trong mỗi người.
Vì vậy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải mã gene có vai trò quan trọng, giúp giảm nguy cơ gây bệnh, cải thiện sức khỏe con người.
Kết quả giải mã gene giúp mỗi cá nhân có thể điều chỉnh, tự chăm sóc sức khỏe bản thân cũng như hiểu rõ cơ địa của mình để có thể sống mạnh khỏe, phòng chống ung thư hay các bệnh di truyền như: tiểu đường, trầm cảm.
Hiện, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng, nguồn nhân lực trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gene. Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu công nghệ và nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực giải mã gene và trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ số tạo ra nhiều biến đổi, trong đó có lĩnh vực y tế mà cụ thể là thay đổi, phát triển phương pháp chuẩn đoán, chữa bệnh thông qua giải mã gene.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Sự phát triển, kết hợp đồng bộ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ giải mã gen, xử lý ảnh… giúp Việt Nam có thể chẩn đoán bệnh theo một cách mới, khác cách thông thường đang triển khai hiện nay.
Do đó, trong Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì Chương trình trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0."
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều xu thế mới về ứng dụng trí tuệ nhân tạo và giải mã gene trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang được thế giới quan tâm.
Công nghệ phát triển cũng tạo ra xu hướng hình thành các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hình thành nhiều tổ chức nghiên cứu mang tính toàn cầu, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ ứng dụng liên quan đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã thúc đẩy hàng loạt các hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành cộng đồng liên kết các nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo cũng như các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng các lĩnh vực mới, đặc biệt là thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.
Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thúc đẩy Chương trình trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0," trong đó, chú trọng thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực y tế./.