Tri ân qua từng trang viết
Bài thơ Tìm của tác giả Võ Sa Hà, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên |
Tháng 12/1980, tác giả Võ Sa Hà cùng 19 cán bộ trẻ của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc lên đường nhập ngũ. Những năm quân ngũ đã chất chứa trong những giảng viên Văn khoa trẻ ngày ấy sự khốc liệt, những hi sinh, mất mát của chiến tranh. Bởi vậy, mỗi lần chạm lại, dường như ông luôn cảm nhận sâu sắc đến tận cùng nỗi đau, bật khóc trên những trang thơ của mình.
Tác giả Võ Sa Hà, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Có lần chúng tôi vào thăm Thành cổ Quảng Trị gặp 1 cụ già ôm tấm ảnh phóng to của 1 anh bộ đội, mọi người cho biết là cụ năm nào cũng vào đây và anh bộ đội vẫn chưa tìm thấy hài cốt... đó là cảm xúc thật để tôi viết bài thơ Tìm, đó là nỗi đau hậu chiến".
Ông Đặng Quyết Tiến, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi được nghe bài thơ Tìm cũng trong dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, khi đó toàn trường lặng im, không ai nói câu nào, trên gương mặt nhiều người những giọt nước mắt lăn dài. Thơ của tác giả Võ Sa Hà giúp chúng ta hình dung ra sự tàn khốc của chiến tranh, là nỗi đau không biết khi nào nguôi".
Tác giả Ngọc Thị Kẹo, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên có nhiều tác phẩm thi ca, văn chương với nội dung tri ân sâu sắc những công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ. |
Cùng đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, có một dòng thi ca, văn chương tưởng niệm và tri ân chảy cùng năm tháng, nhắc nhớ và tự hào về những người con đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tác giả Ngọc Thị Kẹo, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tôi tri ân bằng những trang viết để mọi người biết đến, đó cũng thể hiện tấm lòng tri ân của bản thân với các Anh hùng liệt sĩ".
Nhà văn Phan Thái, Chi hội trưởng Chi hội văn xuôi, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm: "Trong các dịp kỷ niệm, các tác giả của Chi hội văn xuôi Thái Nguyên đã có rất nhiều tác phẩm tham gia, có một số tập truyện ngắn, tiểu thuyết viết về đề tài cách mạng và được bạn đọc đón nhận".
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hi sinh, mất mát vẫn còn hiện hữu. Những trang viết tri ân của các văn nghệ sĩ đôi khi lặng thầm nhưng bền bỉ và có sức lan tỏa, để luôn trân trọng lưu giữ và nhắc nhớ về những điều không bao giờ quên./.