TPHCM: Thu nhập của cán bộ được tăng theo lộ trình từng năm
Chiều 7/12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, HĐND TPHCM khóa IX đã thảo luận và thông qua Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm chủ trì phiên thảo luận trước khi thông qua Nghị quyết triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội |
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định, việc thực hiện tốt Nghị quyết 54 sẽ có nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển bền vững cho Thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đối với cán bộ, công chức thành phố đang làm việc với năng suất, chất lượng cao nhưng thu nhập còn thấp, bà Tâm nhấn mạnh rằng cơ chế đặc thù đã quan tâm và tạo điều kiện cho Thành phố tăng thu nhập cho họ.
Tuy nhiên, theo bà Tâm, thu nhập tăng lên phải có lộ trình từng năm một chứ không phải tăng ngay lập tức. Việc tăng thu nhập còn tùy thuộc vào khả năng tài chính, ngân sách của Thành phố trong phạm vi cho phép thu chi thường xuyên, đảm bảo không làm giảm ngân sách chi cho đầu tư phát triển và các lĩnh vực khác của thành phố.
Đại biểu HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. |
Theo Nghị quyết về triển khai Nghị quyết 54, HĐND TPHCM giao UBND TPHCM căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tham mưu trình HĐND TP xem xét, quyết định về danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; danh mục các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP...
Chính quyền Thành phố khẩn trương nghiên cứu các đề án cụ thể, hoàn tất các quy trình, thủ tục theo quy định để trình HĐND TP xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm 2018.
Các đề án gồm: Đề án sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư; Đề án thực hiện các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí; Đề án tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí; Đề án tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập.
HĐND TPHCM "đặt hàng" UBND TPHCM nhiều đề án triển khai cơ chế đặc thù phát triển TPHCM |
Ngoài ra, chậm nhất là vào kỳ họp giữa năm 2018, UBND TPHCM phải trình HĐND TPHCM Đề án thí điểm tăng mức hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; Đề án huy động vốn đầu tư xã hội. Đồng thời, đề xuất phương án triển khai đường Vành đai 3 bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư.
UBND TPHCM cần phối hợp chặt chẽ các bộ ngành Trung ương trong quá trình chuẩn bị, thẩm định các đề án nêu trên trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước tháng 12/2018 để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND TP phải khẩn trương nghiên cứu các đề án, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP trước tháng 6/2018.
Cụ thể, Đề án phân cấp, ủy quyền; Đề án sắp xếp tổ chức, điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP; Đề án sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Nghị quyết nêu rõ, trong quá trình xây dựng các đề án, UBND TP cũng cần đánh giá tác động cụ thể, thực hiện tốt quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan; lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý trước khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Lãnh đạo TPHCM trao đổi về việc triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố |
Tại phiên họp bế mạc chiều nay, HĐND TPHCM cũng thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2018. Thành phố đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 8,3-8,5%.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 đáng chú ý như: số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 42 giường, đạt 45,5m2 sàn xây dựng/giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%, tổng lượng khai thác nước dưới đất giảm 31,2% so với năm 2017.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng phấn đấu nâng cao chỉ số xếp hạng năm 2018 về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vào nhóm 16 địa phương dẫn đầu cả nước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước, chỉ số cải cách hành chính (PAR-index) vào top 10.