Cơ chế đặc thù và đô thị thông minh giúp TPHCM 'chạy' nhanh hơn
Chiều 26/11, UBND TPHCM chính thức công bố đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trước mắt, thành phố thông minh sẽ được thí điểm xây dựng ở quận 1 và quận 12.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đô thị thông minh là liên quan đến tư duy. “Đô thị thông minh thì chính quyền phải thông minh, doanh nghiệp thông minh, người dân thông minh”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các chuyên gia bên lề hội nghị |
Theo người đứng đầu Đảng bộ TPHCM, thông minh thì phải gắn liền với dự báo và phải lường thấy trước những vấn đề xã hội, có tầm nhìn dài hạn. Do đó, từ chính quyền, doanh nghiệp cho đến người dân phải có tầm nhìn về sứ mạng của mình một cách dài hạn hơn.
“Mặt khác, nói đến thông minh là hiệu quả cao, làm thế nào kết hợp các nguồn lực, tích hợp các nguồn lực, liên kết lại để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực vẫn không thay đổi. Ngoài ra, phải dùng được các công nghệ tiên tiến nhất như internet gắn với trí tuệ nhân tạo. Quản lý phải có dự báo và làm cho mình bớt giật mình”, ông Nhân nhấn mạnh.
Theo Bí thư Nhân, bản thân mỗi người dân, tổ chức phải phát huy tối đa năng lực của mình và trở thành chủ thể sáng tạo. Đồng thời phát triển phải có người giám sát, kiểm soát, người dân giám sát chính quyền, doanh nghiệp và ngay với cả chính bản thân mình.
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu trong năm 2018 phải triển khai một số công cụ dùng chung gồm xây dựng trung tâm dữ liệu tích hợp, trung tâm mô phỏng dự báo; trung tâm về an toàn mạng và điều hành; quy hoạch hạ tầng chung… Đồng thời, TP triển khai một số nhánh như giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh.
Theo Bí thư Nhân, cùng với đô thị thông minh, cơ chế đặc thù cho TPHCM sẽ giúp cho thành phố "chạy" nhanh hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong dài hạn, TP xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo, trong đó TP đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu.
Theo ông Phong, nếu như Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM được xem như động lực trực tiếp thì việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông được xem như một đòn bẩy để TP tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống – chủ yếu dựa vào vốn và lao động.
“Đây còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Chính vì vậy, việc TP sớm trở thành đô thị thông minh và gia nhập các TP thông minh trên thế giới, sẽ góp phần rất lớn trong việc thực hiện mục tiêu của nhân loại; kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá”, ông Phong nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng người dân cần chủ động tương tác trên thiết bị di động để sử dụng các tiện ích |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng: “Việc xây dựng thành phố thông minh gắn liền với công nghệ. Nếu không có giải pháp công nghệ thì không thể giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố. Trong đó, sự tương tác của người dân, doanh nghiệp với chính quyền là quyết định”.
Theo ông Tuyến, giải pháp thông minh để giải quyết những vấn đề bức xúc, cần đột phá của thành phố là hoàn toàn khả thi như giao thông, chống ngập, xử lý rác, giáo dục, y tế, an ninh trật tự.
Ông Tuyến cho rằng, bên cạnh xây dựng chiến lược lâu dài, căn cơ, mở rộng cầu đường để giải quyết các vấn đề cấp bách kẹt xe, ngập nước thì người dân tự điều tiết giao thông cũng là một giải pháp.
“Người dân nên làm quen, tương tác thông tin do chính quyền cung cấp qua điện thoại thông minh để biết được những khu vực nào kẹt xe, ngập nước để phòng tránh và có sự lựa chọn phù hợp”, ông Tuyến nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hiện 82% người dân thành phố sử dụng điện thoại thông minh và thành phố sẽ hướng đến việc ít nhất mỗi người dân sử dụng một tiện ích, phần mềm thông minh qua điện thoại.