TPHCM: Cộng đồng quay lưng với vắc xin bạch hầu
Dịch bạch hầu đã xảy ra tại Bình Phước vào tháng 7 khiến 3 người chết |
Trong những năm gần đây, dịch bạch hầu đã xảy ra nhiều nơi. Mới nhất, trong tháng 7/2016, tại tỉnh Bình Phước xuất hiện ổ dịch bạch hầu ở huyện Đồng Phú, với số lượng 24 người (3-52 tuổi) mắc bệnh, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Để chủ động phòng bệnh tại TPHCM, địa bàn có nguy cơ cao, kế hoạch tăng cường tiêm vắc xin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) để phòng bệnh bạch hầu cho trẻ từ 18 đến 48 tháng tuổi đã được tại tất cả các Trạm Y tế phường xã của thành phố trong tháng 9.
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của Trung tâm Y tế Dự phòng cho thấy, đến ngày 30/9 toàn thành mới chỉ tổ chức tiêm được cho khoảng 12% (12.889 mũi/110.000 mũi).
Dù còn 5 quận huyện chưa tổng kết và báo cáo số liệu, nhưng theo đánh giá chung của BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố thì số lượng trẻ tham gia tiêm vét vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) đang ở mức rất thấp.
Số lượng trẻ tham gia tiêm vét quá ít không đảm bảo được độ bao phủ phòng dịch trong cộng đồng |
BS Trí Dũng lo ngại: “Mức độ lây lan của dịch bạch hầu rất nhanh và khó kiểm soát nếu không chủ động phòng ngừa ngay từ thời điểm chưa xuất hiện ca bệnh thì nguy cơ xảy ra dịch luôn đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tại tâm lý chủ quan đang rất phổ biến ở các tầng lớp nhân dân, khi chưa có dịch thì mọi người “bình chân như vại” nhưng khi dịch xuất hiện thì đổ xô đi chích ngừa là thực tế đã xảy ra” .
Hiện Sở Y tế thành phố dự kiến sẽ chủng ngừa DPT dự kiến sẽ được triển khai cùng với các buổi tiêm chủng khác để tăng độ bao phủ trong cộng đồng bởi bên cạnh nguy cơ dịch bệnh còn là vấn đề kinh phí. Phân tích của BS Trí Dũng chỉ ra: “Một ống thuốc chủng ngừa sẽ được chích cho 20 trẻ, trong trường hợp trẻ đến ít thì việc chích ngừa sẽ gặp khó khăn, ống thuốc sẽ buộc phải bỏ sau 24 giờ khi mới chỉ tiêm cho vài bệnh nhân”.