TP. Quảng Ngãi: Hoạt động dạy thêm, học thêm đi vào nề nếp
Lắng nghe để điều chỉnh...
Bắt đầu từ ngày 10/4/2017, ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi thực hiện lệnh cấm dạy thêm, học thêm (DTHT) ngoài nhà trường kể cả chấm dứt việc giáo viên bậc Tiểu học đưa học sinh về nhà chăm sóc, kèm cặp thay cho phụ huynh.
Quy định cấm giáo viên dạy thêm không phép ngoài nhà trường được dư luận đồng tình ủng hộ, nhất là phụ huynh có con học ở bậc THCS. Tuy nhiên cũng tạo ra luồng ý kiến trái chiều ở bậc Tiểu học.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh bậc Tiểu học có nhu cầu gửi con cho giáo viên đưa đón, chăm sóc. Nếu cấm, những phụ huynh công tác xa nhà sẽ không biết gửi con ở đâu. Trong khi đó, hệ thống bán trú của các trường mới chỉ đáp ứng được 20% số lượng học sinh bán trú.
Lớp học thêm tại trường THCS Trần Hưng Đạo với cơ sở vật chất được đảm bảo. |
Sau khi lắng nghe ý kiến đa chiều từ phụ huynh và tổ chức hội nghị bàn về vấn đề DTHT, ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi đã nới lỏng lệnh cấm khi cho phép giáo viên bậc Tiểu được đưa trẻ về nhà chăm sóc, kèm cặp thay cho phụ huynh dưới sự giám sát của nhà trường.
Để học sinh Tiểu học được giáo viên đưa về nhà kèm cặp, chăm sóc hộ; phụ huynh phải có đơn yêu cầu, giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng, có cam kết với chính quyền địa phương về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm nơi tổ chức trông giữ hộ học sinh.
Số lượng học sinh được nhận trông giữ phải phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của giáo viên, mức học phí do giáo viên và phụ huynh học sinh tự thỏa thuận.
Ông Nguyễn Văn Kiểm - Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi cho biết, ngành đã hướng dẫn cho các trường Tiểu học những quy định về việc đưa trẻ về chăm sóc tại nhà, trong đó có nội dung lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, mỹ thuật, năng khiếu, hỗ trợ kiến thức cho các cháu. Việc làm này nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh và cán bộ giáo viên bậc Tiểu học.
Quyết tâm "siết chặt" bậc THCS
Đối với bậc THCS, ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi lại quyết tâm đưa DTHT vào nề nếp với những quy định chặt chẽ. Qua 2 tháng triển khai thực hiện các quy định liên quan, số giáo viên đăng ký dạy thêm trong nhà trường bắt đầu tăng lên.
Ngành Giáo dục TP. Quảng Ngãi tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm nhằm hạn chế tiêu cực phát sinh |
Cô Lê Thị Kim Trâm - Phó Hiệu trưởng trường THCS Trần Hưng Đạo, cho biết: toàn trường hiện có 34 giáo viên đăng ký dạy thêm, tăng 5 giáo viên so với năm học 2016 - 2017. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã làm các thủ tục để được cấp phép dạy thêm theo quy định. Ban giám hiệu nhà trường đã phổ biến văn bản về DTHT, yêu cầu giáo viên kê khai DTHT và tổ chức ký cam kết để được cấp phép dạy thêm. Đến thời điểm này, trường THCS Trần Hưng Đạo có 14 giáo viên được phân lớp dạy thêm trong nhà trường.
"Việc tổ chức dạy thêm tại trường THCS Trần Hưng Đạo dần đi vào nề nếp, đạt hiệu quả dưới sự quản lý của nhà trường. Vì vậy, nếu phát hiện có thầy cô giáo của nhà trường tổ chức dạy thêm ở nhà không đúng quy định sẽ bị xử lý", cô Trâm nhấn mạnh.
Tại trường THCS Chánh Lộ, thầy Hồ Quang Bình - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: hoạt động quản lý DTHT cũng được thực hiện nghiêm túc. Đến nay đã có 9 giáo viên đăng ký dạy thêm trong nhà trường và hoạt động DTHT chỉ diễn ra sau 17h.
"100% giáo viên của trường không còn dạy thêm ở nhà. Nhà trường cũng quy định mức thu học phí mỗi tháng trên cơ sở quy định tại Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT là không quá 200.000 đồng/môn/học sinh", thầy Bình khẳng định.
Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP. Quảng Ngãi Nguyễn Văn Kiểm, đến thời điểm này Phòng đã cấp phép hoạt động dạy thêm cho 21/23 trường THCS. Trên cơ sở đó, Phòng sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hoạt động DTHT của giáo viên.
"Cuối tháng 10/2017, phòng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác DTHT trong và ngoài nhà trường, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm cam kết sẽ xử lý nghiêm theo quy định", ông Kiểm cho biết.
Cũng theo ông Kiểm, việc đưa DTHT vào nhà trường là biện pháp hữu hiệu nhất để hoạt động này đi vào nề nếp. Ở đó, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt cho việc DTHT, giúp học sinh tiết kiệm được thời gian di chuyển từ nơi này đến nơi khác cũng như hạn chế tiêu cực nảy sinh như lạm thu, ép buộc, chèn ép học sinh… phải học thêm.