Tổng thống Trump đến Trung Đông: Một mũi tên trúng nhiều đích
Chuyến thăm là nỗ lực của Mỹ trong việc định hình lại mối quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo và các đồng minh chiến lược nhằm việc giải quyết các vấn đề nóng ở khu vực, đặc biệt là cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, xung đột Palestine - Israel và vấn đề Iran.
Tổng thống Donald Trump (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Reuters |
Hàn gắn quan hệ chiến lược Mỹ-Saudi Arabia
Báo chí khu vực cho rằng, việc Tổng thống Mỹ chọn Saudi Arabia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài là chuyến công du “lịch sử”. Trước hết bởi quốc gia này đang đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn ở khu vực Trung Đông.
Qua chuyến thăm, Mỹ muốn khôi phục lại quan hệ với đồng minh chiến lược ở khu vực sau những rạn nứt trong quan hệ song phương dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Việc thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đã cho phép lãnh đạo hai nước cùng chia sẻ các vấn đề về lợi ích chiến lược, bao gồm nỗ lực để đánh bại các nhóm khủng bố và cực đoan, qua đó giúp khẳng định lại vai trò quan trọng của Mỹ tại khu vực.
Bên cạnh đó, Saudi Arabia còn là đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ và đầu tư. Mỹ cũng muốn thông qua việc thúc đẩy đầu tư, thương mại với Saudi Arabia để giải quyết các vấn đề khác của khu vực. Đáng chú ý là các thỏa thuận, hiệp định hợp tác quân sự và đầu tư, dầu mỏ lên tới hàng trăm tỷ USD.
Chuyến thăm còn là nỗ lực để Mỹ xây dựng và hợp tác giữa các tín đồ Hồi giáo, Kito giáo và người Do Thái cùng chống lại chủ nghĩa khủng bố, đồng thời xóa bỏ bất kỳ những nghi ngờ thù địch nào về chính quyền Mỹ đối với người Hồi giáo.
Ông Trump có thể khôi phục và cải thiện mối quan hệ song phương với các đồng minh chủ chốt, tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư và quốc phòng, qua đó góp phần tạo sự ổn định, hòa bình ở khu vực.
Việc tái khởi động tiến trình đàm phán Israel - Palestine mà không cần điều kiện tiên quyết nhằm đạt được hòa bình toàn diện, cũng như thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Iran, là ý đồ mà ông Trump muốn hướng tới trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên này.
Chuyến thăm cho thấy, Trung Đông là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, đồng thời thấy được quan điểm hoàn toàn khác biệt so với Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, khi muốn đưa Mỹ quay trở lại vị trí bá quyền ở khu vực.
Mặc dù vậy, chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực sẽ không nằm ngoài việc duy trì các lợi ích cốt lõi gồm: chống khủng bố; đảm bảo sự tồn tại của nhà nước Israel; phát triển kinh tế Mỹ thông qua các hợp đồng vũ khí, năng lượng, viễn thông…
Hòa giải mâu thuẫn giữa Israel và thế giới Arab
Với các điểm nóng tại khu vực, chính quyền Mỹ sẽ ưu tiên lựa chọn giải pháp an toàn, tránh xung đột, trên cơ sở “dung hòa lợi ích các đồng minh”, qua đó vừa có thể chia sẻ trách nhiệm, nhưng vẫn đảm bảo thực thi các chính sách cũng như thể hiện được vai trò trung tâm của Mỹ.
Điều này thể hiện rõ qua chuyến thăm khi Mỹ coi Saudi Arabia là quốc gia ủy nhiệm chính, có vai trò quan trọng giúp Mỹ thực thi chính sách chống khủng bố cũng như giải quyết các vấn đề của khu vực.
Trong khi đó, mâu thuẫn giữa Israel và thế giới Arab do Saudi Arabia dẫn đầu dường như được làm dịu đi rất nhiều, sau khi Tổng thống Mỹ đưa ra cách tiếp cận khá cứng rắn với kẻ thù chung Iran.
Ngoài ra, các vấn đề có thể gây căng thẳng, xung đột giữa hai bên, như di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem hay phản ứng trước việc mở rộng khu tái định cư của Israel ở Dải Gaza, sẽ gần như ít được Mỹ nhắc đến trong thời gian tới.
Cuộc hòa đàm Israel - Palestine sẽ khó có thể đi đến bước đột phá khi Mỹ vẫn thể hiện một vai trò trung dung, chưa đưa ra một lộ trình cụ thể, rõ ràng để khởi động tiến trình.
Được biết, các quốc gia Arab và Palestine đều mong muốn Mỹ gây sức ép để Israel từ bỏ các điều kiện tiên quyết đối với tiến trình hòa bình. Trong khi đó, những động thái gần đây như quan hệ đang ngày một nồng ấm hơn với Israel, hay việc bổ nhiệm Đại sứ Mỹ David Friedman, người ủng hộ mạnh mẽ hoạt động tái định cư của Israel, sẽ càng khiến Mỹ khó có thể đưa ra những quyết định ép buộc chính quyền Tel-Aviv phải nhượng bộ.
Thúc đẩy mối quan hệ với các đồng minh chiến lược như Saudi Arabia và Israel, cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải tăng cường gây sức ép, hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực.
Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo quân sự, nâng cao tiềm lực quân sự cho các đồng minh thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí. Mỹ sẽ tiếp tục tạo sức ép lên Liên Hợp Quốc hoặc đơn phương ban hành các lệnh trừng phạt đối với Iran về kinh tế, quân sự.
Tuy nhiên, với chính sách ưu tiên chống khủng bố ở khu vực, khó có khả năng Mỹ sẽ chọn giải pháp “dồn ép Iran vào chân tường”, hay để bị rơi vào thế phải đối đầu với chính quyền Syria và Nga./.