Tổ chức Hồi giáo Abu Sayyaf tàn bạo chuyên chặt đầu con tin là ai?
LTS:Tổ chức Hồi giáo Abu Sayyaf ở Philippines lại vừa chặt đầu một con tin người Đức sau khi chúng không nhận được tiền chuộc để đổi lấy tự do cho ông này. Dưới đây là vài nét về nhóm khủng bố này:
Abu Sayyaf là một trong các các nhóm thánh chiến nhỏ nhất nhưng bạo lực nhất ở miền nam Philippines. Tên của tổ chức này trong tiếng địa phương có nghĩa là “người mang gươm”. Abu Sayyaf khét tiếng với việc bắt cóc đòi tiền chuộc và tấn công cả dân thường lẫn quân đội.
Nhóm khủng bố Hồi giáo Abu Sayyaf. Ảnh: Abu Sayyaf. |
Năm 2004, tổ chức Abu Sayyaf đã đánh bom một con phà ở vịnh Manila, làm 116 người thiệt mạng.
Năm 2016 chúng cũng đã bắt một số công nhân Malaysia và Indonesia, du khách phương Tây và một công dân Philippines làm con tin. Ba nhóm người Malaysia và Indonesia đã được thả sau đó, nhưng hai người Canada xấu số tên là Robert Hall và John Ridsdel đã bị sát hại sau khi chính phủ Canada từ chối trả tiền chuộc mà nhóm Abu Sayyaf đòi.
Khởi nguồn
Abu Sayyaf bắt nguồn từ phong trào ly khai ở miền nam Philippines – một khu vực nghèo khó, nơi người Hồi giáo chiếm số đông, trái ngược với phần còn lại có đa số người Công giáo sinh sống.
Tổ chức Abu Sayyaf tách khỏi Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro rộng lớn hơn vào năm 1991 do chúng bất đồng với chính sách của Mặt trận này là theo đuổi chế độ tự trị, còn chúng thì muốn thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập.
Kẻ sáng lập Abu Sayyaf - Abdurajak Abubakar Janjalani, là một giáo sĩ Hồi giáo đã tham gia cuộc chiến giữa Liên Xô và phiến quân Afghanistan. Tin đồn cho hay, tại Afghanistan y đã gặp Osama Bin Laden và được tên này truyền cảm hứng. Al-Qaeda đã cung cấp tiền và hỗ trợ huấn luyện cho Abu Sayyaf vào buổi đầu thành lập.
Sau khi Janjalani chết, nhóm này chia tách thành hai mạng lưới chính – thủ lĩnh của 2 nhánh này đã bị tiêu diệt trong các năm 2007-2007. Kể từ đó, Abu Sayyaf đã vận hành các phái hợp tác với nhau qua mối quan hệ thân tộc hay cá nhân nhưng thi thoảng có “choảng” lẫn nhau.
Vụ chặt đầu một con tin Malaysia vào năm 2015 chẳng hạn, được cho là do hục hặc trong đàm phán giữa các phái của Abu Sayyaf. Một phái muốn có thêm tiền chuộc, còn các phái khác thì mua chia tiền chuộc ra.
Ước tính tổ chức Abu Sayyaf có khoảng 400 thành viên. Kể từ năm 2014, một vài phái trong tổ chức này đã tuyên bố trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Isnilon Tontoni Hapilon, một trong các thủ lĩnh nổi bật nhất của Abu Sayyaf được công nhận là thủ lĩnh của tất cả các nhóm theo IS ở Philippines.
Giới chức Philippines thì cho rằng các lời cam kết trung thành nói trên mang tính cơ hội, để nhận tiền tài trợ từ IS. Thế nhưng IS lại tiếp nhận các cam kết này và hãng tin trên thực tế của IS, A’maq, đã đưa tin về 2 vụ đụng độ lớn gần đây giữa quân đội Philippines và các nhóm chiến binh Hồi giáo – động thái cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa IS và lực lượng Hồi giáo cực đoan ở quốc gia Đông Nam Á này.
Abu Sayyaf nguy hiểm đến mức độ nào?
Các con tin của Aby Sayyaf có xu hướng được thả nếu tiền chuộc dành cho họ được trả. Đây là kết quả trong hầu hết vụ bắt con tin. Nhóm này sẵn sàng xuống tay đoạt mạng sống của con tin nếu các yêu cầu không được đáp ứng.
Còn việc tổ chức này thời gian qua bắt cóc 18 người Indonesia và Malaysia đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh hàng hải trong khu vực, về nguy cơ nơi này trở thành một “Somalia thứ 2”. Đây là nhận định của bộ trưởng an ninh Indonesia.
Trung tâm Thông tin về Hải tặc có trụ sở ở Kuala Lumpur đã cảnh báo tàu bè hãy tránh xa các tàu nhỏ khả nghi trong khu vực. Các nước Malaysia và Indonesia đã đề xuất tuần tra chung ở biển Sulu để ngăn ngừa các vụ hải tặc tương tự.
Hiện người ta cũng lo ngại tổ chức Abu Sayyaf có thể đang hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố do các nhóm khác liên kết với IS thực hiện trong khu vực. Các điều tra viên trong vụ tấn công khủng bố ở Jakarta vào tháng 1/2016 cho biết, vũ khí sử dụng trong vụ này có gốc gác từ miền nam Philippines.
Trong khi không có bằng chứng khẳng định Abu Sayyaf dính vào vụ tấn công Jakarta, tổ chức này từ lâu có mối quan hệ với các nhóm chiến binh nổi bật của Indonesia như là Mujahidin Indonesia Timur và Jemaah Islamiyah (JI). Một số thành viên JI tham gia đánh bom ở Bali đã được Abu Sayyaf che chở khi chúng chạy khỏi Indonesia.
Ngoài ra cũng có bằng chứng cho thấy Abu Sayyaf có mối liên hệ với các nhóm thánh chiến ở Trung Đông. Người ta đã phát hiện thi thể của một chuyên gia đánh bom người Morocco, tên là Mohammad Khattab, trong một trận chiến giữa phiến quân Abu Sayyaf và quân đội Philippines.
Đối sách của chính quyền Philippines
Quân đội và cảnh sát Philippines đã và đang săn lùng tổ chức này với mục đích giải cứu con tin và đánh bại hoàn toàn tổ chức đó.
Một vụ đụng độ vào tháng 4/2016 đã khiến 18 binh sĩ Philippines thiệt mạng, 56 người khác bị thương – đây là thương vong lớn nhất của quân đội Philippines trong cả năm.
Một số nhà quan sát lập luận rằng nguồn gốc của Abu Sayyaf nằm ở sự khác biệt kinh tế và chính trị giữa miền nam và các vùng khác trong Philippines. Phó Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro nói: “Chừng nào người Hồi giáo còn tiếp tục bị đàn áp tì chừng đó sẽ luôn còn Abu Sayyaf”./.