Nỗi ám ảnh chưa nguôi tại Bỉ 1 năm sau vụ khủng bố Brussels
Loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào sân bay và nhà ga ở thủ đô Brussels, Bỉ hôm 22/3/2016, cướp đi sinh mạng của 35 người vẫn còn trong tâm trí không chỉ của người dân Bỉ, mà còn cả châu Âu.
Cảnh sát Bỉ. Ảnh: Alalam News Network. |
Một năm sau sự kiện kinh hoàng này, bóng ma của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan vẫn đeo bám người dân nơi đây, trong bối cảnh năm 2017 này là một năm then chốt của Liên minh châu Âu, với một loạt cuộc bầu cử quan trọng được dự báo sẽ mang lại những thay đổi lớn đối với châu lục.
Thủ đô Brussels lâu nay vẫn được coi là trái tim của châu Âu, nơi đặt trụ sở của một loạt cơ quan và tổ chức quốc tế như Ủy ban châu Âu hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Thế nhưng, vụ tấn công hôm 22/3 năm ngoái (2016) đã biến Bỉ thành mục tiêu của những kẻ cực đoan.
Ba vụ đánh bom liên hoàn xảy ra tại sân bay Zaventem và một ga tầu điện ngầm ở thủ đô Brussels, làm 35 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Vụ khủng bố diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bỉ thông báo bắt được Saleh Abdeslam nghi can chính trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris, xảy ra chỉ 4 tháng trước đó.
Một năm sau sự kiện kinh hoàng này, nhiều người dân Bỉ vẫn chưa hết bàng hoàng: “Nhiều người đã mất đi con cái, cha mẹ trong vụ tấn công khủng khiếp này. Và vì thế, chúng tôi thấy mình không được phép quên đi để các nạn nhân không cảm thấy tuyệt vọng. Chúng tôi sẽ đứng vững và đấu tranh đến cùng với những kẻ khủng bố.”
Những vụ tấn công này đã buộc các nhà chức trách Bỉ và châu Âu phải xem xét lại an ninh tại các sân bay và trên các phương tiện giao thông công cộng. Không chỉ thế, nó lại một lần nữa nhen lại cuộc tranh luận chưa có hồi kết rằng liệu hợp tác an ninh tại châu Âu phải chăng đã lỗi thời và đang cho thấy những lỗ hổng không dễ lấp đầy.
Những kẻ khủng bố đã quá khéo léo giấu mình "trong bóng tối" trước các vụ bố ráp liên tục của cảnh sát hay các lỗ hổng an ninh quá lớn tại các nước châu Âu đã giúp những kẻ khủng bố dễ dàng lọt lưới luôn là câu hỏi thường trực tại châu Âu thời gian vừa qua. Điều nghiêm trọng là ngay chính các nhà lãnh đạo châu Âu và dân chúng châu Âu cũng đang rất mâu thuẫn nhau, thậm chí là có quan điểm trái ngược nhau trong việc xác định nguy cơ và biện pháp chống lại chủ nghĩa khủng bố, nhất là khủng bố mượn danh tôn giáo.
Thêm vào đó, hàng ngày, dòng người di cư từ khu vực Trung Đông - châu Phi vẫn tiếp tục tràn vào châu Âu và không cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được đâu là người nhập cư chạy trốn chiến tranh và đói nghèo thực sự, đâu là những kẻ khủng bố. Cho đến nay, dù đã trải qua rất nhiều cuộc họp cấp cao trong nội bộ Liên minh châu Âu và giữa Liên minh châu Âu với các đối tác khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Libya,… nhưng Liên minh châu Âu vẫn chưa tìm ra được giải pháp để ngăn chặn dòng người di cư vào châu lục này. Điều này cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của nguy cơ khủng bố từ những kẻ cực đoan trà trộn trong cộng đồng người nhập cư, đồng thời cũng phô bày những chia rẽ, rạn nứt trong nội bộ Liên minh châu Âu về những vấn đề gai góc của châu lục.
Một năm sau sự kiện kinh hoàng tại Bỉ, một tác phẩm điêu khắc bằng kim loại nặng 2 tấn đã được dựng lên ở gần trụ sở Liên minh châu Âu ở thủ đô Brussels để tượng nhớ các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố hôm 22/3/2016.
Được đặt với cái tên “Bi thương nhưng vẫn đứng vững trước điều không tưởng”, tác phẩm cao 20m, mô phỏng hình dạng những con sóng đang dâng lên. Theo tác giả của công trình, ông Jean-Henri Compere, tác phẩm thể hiện nỗi đau, sự mất mát, nhưng cũng cho thấy quyết tâm và sức mạnh của nhân loại trước những kẻ khủng bố và cực đoan:
Đây là công trình tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố. Thông qua đây chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp rằng, dù đau thương nhưng chúng tôi sẽ đứng đậy và nói không với những hành vi không tưởng như thế này”.
Tác phẩm được xem là biểu tượng cho sự hồi sinh của thành phố sau đau thương và cũng là câu trả lời cho những kẻ khủng bố.
“Tôi sẽ tham gia các hoạt động tưởng niệm tại Brussels và tôi xem tác phẩm điêu khắc này. Đây có thể xem là sức mạnh và khả năng phục hồi của thành phố."
Năm 2017 này được xem là một năm then chốt của Liên minh châu Âu với một loạt cuộc bầu cử quan trọng tại Hà Lan, Pháp, Ba Lan… Người dân châu Âu đều kỳ vọng những sự kiện này dẫn tới những thay đổi lớn tại châu Âu và có thể là một cách tiếp cận mới, một phương thức hợp tác mới để ngăn chặn hiệu quả nguy cơ khủng bố./.