Tính toán nhiệm kỳ của Trump khi tung thêm đòn vào Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/8 tuyên bố sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Theo Neal Kimberley, bình luận viên về kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, đây là một trong những động thái của Trump nhằm xây dựng hình ảnh của ông là một lãnh đạo cứng rắn trước Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề thương mại, dường như nhằm tăng cường khả năng tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
"Không giống với ông chủ Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử vào năm tới, nhưng nếu ông muốn hiểu những hành động của Tổng thống Trump đến từ đâu, điều quan trọng luôn phải ghi nhớ là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ", Kimberley nói.
Phát biểu tại thành phố Cincinnati, bang Ohio, tuần trước, Trump nhấn mạnh vào việc Trung Quốc "đã bòn rút hàng trăm tỷ USD" khỏi nước Mỹ thế nào, nhưng con số thực sự khiến Tổng thống Mỹ quan tâm là 270. Đây là số phiếu đại cử tri mà ông cần để tiếp tục nhiệm kỳ hai tại Nhà Trắng.
Lý giải cho chiến lược áp thuế của mình, Trump nhiều lần khẳng định ông muốn Bắc Kinh tham gia vào một cuộc cạnh tranh công bằng và giảm thâm hụt thương mại Mỹ - Trung. Giới chuyên gia đánh giá ý tưởng này nếu thành công rõ ràng là một điểm sáng để thu hút sự ủng hộ từ cử tri Mỹ.
Khi Trump đề cập đến quyết định áp thuế mới trong bài phát biểu ở Ohio, bang từng ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2016, một tràng pháo tay dài hưởng ứng vang lên. Nhưng chưa biết sự hưởng ứng này có tồn tại được đến kỳ lễ Giáng sinh hay không, khi người tiêu dùng Mỹ nhận ra những ảnh hưởng to lớn của đòn áp thuế với gần như mọi mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu.
Đòn thuế mới của Trump sẽ đánh vào hàng loạt mặt hàng tiêu dùng, từ điện thoại di động đến đồ chơi trẻ em. Người mua sắm Mỹ từ giờ đến tháng 12 sẽ phải chứng kiến mức tăng giá hàng hóa đáng kể và Tổng thống Trump có thể sẽ bị coi là "kẻ hủy hoại Giáng sinh" bằng đòn thuế, dù Nhà Trắng khẳng định Trung Quốc chứ không phải người tiêu dùng Mỹ đang phải trả giá.
Tuy nhiên, đây có lẽ là rủi ro mà Trump sẵn sàng chấp nhận, trừ phi thông báo áp thuế mới nhất chỉ là một phần trong kế hoạch của ông nhằm khiến Trung Quốc nhượng bộ về thương mại trước thời hạn đầu tháng 9, qua đó cho phép Nhà Trắng trì hoãn hoặc hủy hoàn toàn các biện pháp thuế mà Trump đe dọa thực hiện "một cách khoan dung".
Nếu tính toán của chính quyền Trump đúng như vậy, ông có thể sẽ phải thất vọng trước phản ứng cứng rắn từ Trung Quốc. "Gia tăng hàng rào thuế quan không phải cách mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng kinh tế và thương mại. Đó không phải cách làm đúng", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 2/8 tuyên bố. Bắc Kinh sau đó đáp trả bằng cách ngừng mua nông sản Mỹ.
Thực tế, chính quyền Trump cần nhận thức được rằng lời đe dọa tăng thuế của họ chỉ khiến khả năng Bắc Kinh nhượng bộ trở nên xa vời hơn bởi Trung Quốc không bao giờ muốn bị hiểu rằng họ đang lép vế trước áp lực từ Mỹ, Kimberley nhận định.
Nhưng Tổng thống Trump không quá bận tâm. "Cho đến khi đạt được thỏa thuận, chúng ta sẽ tiếp tục đánh thuế Trung Quốc", ông nói tại Ohio.
Theo Gary Cohn, cựu cố vấn kinh tế của Trump, các đòn thuế Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc đang làm biến mất những tác động tích cực từ các biện pháp cắt giảm thuế mà Nhà Trắng thúc đẩy trước đây.
Thêm vào đó, thuế quan còn đang ảnh hưởng tới những cảng quan trọng ở vùng biển phía tây Mỹ, nơi xử lý các container hàng đến từ Trung Quốc. "Đòn thuế tiếp tục tác động tới lưu thông hàng hóa tại cảng Long Beach", cơ quan cảng vụ California ngày 11/7 thông báo.
Song chính quyền Trump có lẽ không quá lo âu trước bất kỳ tác động kinh tế tiêu cực nào bắt nguồn từ chiến tranh thương mại đối với các bang duyên hải phía tây, bởi không bang nào ở khu vực này bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử năm 2016.
Thực tế, Trump từng không thể đánh bại ứng viên đảng Dân chủ tại bang California, Oregon hay Washington và điều này cũng khó thay đổi trong cuộc bầu cử năm 2020, bất kể chiến lược của ông là gì. Bang California, nơi có 55 phiếu trong 538 phiếu đại cử tri, chưa bầu cho bất kỳ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa nào từ năm 1988.
Theo David Firestein, giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách Công thuộc Đại học Texas ở Austin, Mỹ, nếu đặt cược vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc với hy vọng thu phục được sự ủng hộ từ cử tri, Trump có thể đang chơi một ván bài mạo hiểm.
Đòn đáp trả Trung Quốc áp lên nông sản Mỹ đã đánh trúng tầng lớp đông đảo ủng hộ Trump là nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp.
Các hàng rào thuế quan làm giá nông sản Mỹ tăng cao, khiến lợi nhuận xuất khẩu giảm 74% trong năm 2018. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá trị đậu nành xuất khẩu đã giảm xuống mức 3,1 tỷ USD vào năm ngoái, từ mức 12,2 tỷ USD năm 2017.
"Ông ấy không thể vừa gây ảnh hưởng xấu tới lợi ích kinh tế của các cử tri vừa mong họ ủng hộ ông như 4 năm trước", Firestein nhận xét.