Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kết quả lợi nhuận kinh doanh của các ngân hàng tăng mạnh, nhiều ngân hàng đã công bố số lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Niềm vui này đã “lan” sang năm 2018 khi mà kết thúc quý I, nhiều ngân hàng đồng loạt công bố thông tin lãi “khủng”.

tin dung ban le co hoi vang cua cac ngan hang
Lợi nhuận mà các ngân hàng đạt được có sự đóng góp không nhỏ từ việc thúc đẩy mảng bán lẻ. (Ảnh minh họa: KT)

Cụ thể, kết thúc quý I/2018, ngân hàng TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2017. HDBank ước tính luỹ kế quý I khoảng 1.050 tỷ đồng. Với Ngân hàng Cổ phần Quân đội, doanh thu ước đạt 3.500-3.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 44% so với năm 2017...

Lợi nhuận mà các ngân hàng đạt được có sự đóng góp không nhỏ từ việc thúc đẩy mảng bán lẻ bởi tăng trưởng tín dụng của khối này khá tốt. Trong định hướng chiến lược năm 2018, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu phát triển mạnh mảng bán lẻ để tăng lợi nhuận. Theo đó, các ngân hàng hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân thay vì nhóm khách hàng doanh nghiệp. Các dịch vụ chủ yếu của ngân hàng bán lẻ là tiết kiệm, thanh toán, cho vay tiêu dùng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ…

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang và sẽ triển khai chiến lược toàn diện từ mở rộng quy mô mạng lưới giao dịch, chuyển dịch kênh phân phối hiện đại đến phát triển nguồn nhân lực bán lẻ chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bán lẻ... Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ 2 năm nay, cơ cấu tín dụng của ngân hàng đã chuyển dịch theo hướng, mở rộng tín dụng bán lẻ, giảm dư nợ bán buôn hiệu quả thấp, tăng tín dụng bán lẻ tại phòng giao dịch và cải thiện số lượng khách hàng bán buôn tín dụng mới…

Ngân hàng Cổ phần Quân đội cũng đang có sự dịch chuyển sang bán lẻ gồm nhóm khách hàng cá nhân và nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng tỷ lệ doanh thu từ bán lẻ lên 70% tổng doanh thu ngân hàng. Ngoài ra, để khai thác mạnh hơn mảng bán lẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử ngày càng được nâng cấp, hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt được Chính phủ xây dựng thành đề án để tăng tỷ trọng, giúp các tổ chức tín dụng có thêm cơ hội và điều kiện để phát triển…

Với những động thái tích cực từ phía các ngân hàng, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể tăng trưởng gấp đôi trong 5 năm tới, chìa khóa cho sự tăng trưởng này chính là các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Bởi Việt Nam đang có điều kiện rất tiềm năng để thúc đẩy lĩnh vực tài chính bán lẻ như: nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 52%...

Song vấn đề ở đây theo TS Nguyễn Trí Hiếu là “liệu những khách hàng tiềm năng đó thì khả năng trả nợ của họ có tương xứng không khi mà mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện còn khá thấp, chỉ khoảng 2300 USD/năm. Với mức thu nhập thấp như vậy, nếu không kiểm soát được việc tiêu xài thì người đi vay tiền sẽ mất khả năng thanh toán và tạo ra rủi ro. Do đó, các ngân hàng cần thận trọng trong vấn đề tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn các ngân hàng kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ hơn cho tín dụng tiêu dùng”./.