Giá vàng miếng SJC bất ngờ đảo chiều giảm mạnh
|
Ảnh minh họa. |
Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 77 - 79 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 77 - 79 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 800.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, giá vàng nhẫn sáng nay đi ngang. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,3 - 77,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,15 - 77,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng đã thu hẹp phần nào đà giảm vào cuối phiên 5/8 do lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái đã gây ra đợt bán tháo toàn cầu. Các nhà đầu tư vẫn hy vọng rằng đợt điều chỉnh này trên thị trường chỉ là tạm thời.
Sau khi có thời điểm giảm hơn 2% trong phiên đầu tuần, giá vàng đã phục hồi phần nào và hạn chế mức giảm còn 1,4% (34,91 USD) xuống còn 2.406 USD/ounce.
Tuy nhiên, các kim loại quý khác bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Bốn nhóm ngành được thí sinh chuộng nhất năm 2024
Kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ, máy tính, sư phạm là bốn lĩnh vực thu hút thí sinh nhất năm nay.
Thông tin được Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết tại họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 5/8.
Năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% số dự thi tốt nghiệp), tăng khoảng 73.000 so với năm ngoái.
Trong gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực, thí sinh đăng ký nhiều nhất vào nhóm kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ. Theo sau là lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, sư phạm. Đặc biệt, nhóm ngành đào tạo giáo viên có số nguyện vọng tăng 85% so với năm ngoái (tương đương 200.000 nguyện vọng).
"Điều này cho thấy sự quan tâm của học sinh với ngành sư phạm nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí", ông Sơn nói. Do đó, dự báo điểm chuẩn nhóm ngành này sẽ tăng.
Trong khi đó, dù dẫn đầu, nhóm ngành kinh doanh và quản lý giảm khoảng 3% số nguyện vọng (tương đương 24.000) so với năm ngoái, máy tính và công nghệ thông tin giảm 5% (15.000). Các năm trước, đây cũng là hai nhóm ngành dẫn đầu về tỷ lệ thí sinh.
Một số lĩnh vực khác có sự tăng trưởng mạnh là khoa học tự nhiên (tổng số nguyện vọng tăng 61%); an ninh quốc phòng (tăng 46,5%). Với ngành công nghệ cao như thiết kế vi mạch bán dẫn, tổng số nguyện vọng tăng 30%.
Theo thứ trưởng Sơn, xét cả về cơ cấu và đối chiếu với các năm trước, ông nhận định việc lựa chọn ngành học hiện nay của học sinh được tư vấn rất "sát, kỹ" về đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp, thị trường lao động.
"Con số này chứng tỏ nhu cầu học tập đại học của các em học sinh tốt nghiệp THPT có tăng. Dựa vào ngành đăng ký của thí sinh cũng thấy nhu cầu về trình độ nhân lực trình độ cao của xã hội tăng. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước", ông nói.
Việt Nam đặt mục tiêu đạt 260 sinh viên trên một vạn dân vào năm 2030, tức gấp khoảng 1,3 lần so với hiện nay. Với xu hướng trên, ông Sơn tin mục tiêu này sẽ đạt được.
Hơn 1,07 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Kết quả xét tuyển đại học được công bố trước 17h ngày 19/8.
Bộ Ngoại giao cảnh báo công dân trước tình hình leo thang xung đột tại Trung Đông
Tối 5-8, Bộ Ngoại giao đã phát đi thông tin cảnh báo công dân Việt Nam trước tình hình diễn biến leo thang xung đột tại khu vực Trung Đông.
Hiện nay, tình hình căng thẳng giữa Israel với Liban và Iran gia tăng và diễn biến phức tạp, gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản công dân. Bộ Ngoại giao cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Liban, Iran và Israel trong thời điểm này.
Trong trường hợp đang ở Liban, cần sớm sơ tán người và tài sản đến nước thứ ba hoặc về Việt Nam. Đồng thời, tuân thủ các quy định và hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ an ninh an toàn của chính quyền sở tại.
Công dân Việt Nam cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, Iran, Israel và các nước lân cận) để phản ứng kịp thời.
Từ tháng 8, những trường hợp này dù chưa có sổ đỏ vẫn được mua bán
Từ 1/8/2024 Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực. Theo luật này, có 8 trường hợp nhà chưa có sổ đỏ vẫn được mua bán hợp pháp.
Cụ thể, theo Nghị định 95 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Nhà ở 2023 hiệu lực từ ngày mùng 1/8/2024, có 8 trường hợp nhà ở dưới đây được giao dịch hợp pháp khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tức sổ hồng, sổ đỏ:
1. Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở:
Các trường hợp giao dịch mua bán, thuê mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có các giấy tờ chứng minh nhà ở đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Trường hợp là nhà ở tái định cư hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có giấy tờ chứng minh điều kiện được kinh doanh; cần có giấy nghiệm thu đưa vào sử dụng nếu muốn bán nhà loại này có sẵn. Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thì phải có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được giao dịch theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
2. Trường hợp là nhà ở hình thành trong tương lai không thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở:
Với các trường hợp giao dịch mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai không thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có giấy tờ chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng theo pháp luật về xây dựng. Trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy phép xây dựng thì phải có giấy tờ chứng minh về việc đầu tư xây dựng nhà ở đó.
3. Các trường hợp giao dịch mua bán, thuê nhà ở thuộc tài sản công thì bắt buộc phải có giấy tờ xác định nhà ở thuộc diện được thuê, bán theo quy định.
4. Trường hợp giao dịch tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, tổ chức phải có giấy tờ chứng minh về việc xây dựng nhà ở để tặng, cho.
5. Với các trường hợp giao dịch thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện. Sản phẩm nhà ở phải xây xong phần móng, không thuộc một phần hoặc toàn bộ dự án đã thế chấp.
6. Đối với trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở (trừ cho thuê nhà ở thuộc tài sản công), bên cho thuê, mượn phải có hợp đồng mua hoặc thuê ký với chủ đầu tư dự án. Nếu chuyển nhượng hợp đồng mua bán, buộc phải có thêm văn bản chuyển nhượng. Trường hợp tự làm nhà ở, người dân phải có giấy phép xây dựng hoặc chứng minh quyền sở hữu nhà ở.
7. Nếu thừa kế nhà ở được tặng cho, người tặng phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà. Trường hợp thừa kế nhà thuộc diện mua, thuê mua, bên bán phải có hợp đồng mua bán, thuê kèm giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc đầu tư xây dựng công trình.
Trong trường hợp thừa kế nhà ở thuộc diện đầu tư xây mới, bên để thừa kế phải có giấy phép xây dựng và giấy chứng minh quyền sử dụng đất. Trường hợp thừa kế nhà theo quyết định của tòa án, người nhận phải có bản án hoặc quyết định của tòa.
8. Doanh nghiệp bị giải thể muốn bán nhà phải có quyết định hoặc thông báo việc này. Trường hợp phá sản, thì phải có quyết định của tòa án.
Điều tra vụ án chồng sát hại vợ ở Lào Cai
Sáng 6/8, lãnh đạo UBND huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ án mạng khiến 1 người tử vong.
Cụ thể, vào khoảng 16h30 ngày 5/8, tại xã Tà Chải (huyện Bắc Hà), Bùi Mạnh Cường (30 tuổi) đã dùng dao chém vợ tử vong.
Sau khi gây án, nghi phạm đã bị Công an huyện Bắc Hà phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai truy bắt. Hiện nghi phạm đã bị tạm giữ để điều tra làm rõ hành vi giết người.
Được biết, nghi phạm và nạn nhân là vợ chồng, có một người con. Trong quá trình sinh sống, hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn dẫn tới án mạng. Vụ án đang được điều tra làm rõ.
Đại án đăng kiểm: Đề nghị mức án 2 cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam
Chiều 6-8, VKSND TP HCM tiếp tục phần luận tội, đề nghị mức hình phạt đối với 254 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các trung tâm đăng kiểm tại TP HCM và nhiều tỉnh thành.
Đại diện VKSND cho biết đã ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như phạm tội lần đầu, khắc phục hậu quả, thân nhân của người có công với cách mạng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, quá trình công tác có nhiều đóng góp cho xã hội...
|
Các bị cáo tại tòa. |
Tuy nhiên, đại diện VKSND cho rằng đây là vụ án tham nhũng kinh tế có quy mô lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và thủy nội địa. Do đó, VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà, cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, 20 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Bị cáo Trần Kỳ Hình, cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, 18-19 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tổng hợp hình phạt 23-25 năm tù.
Bị cáo Trần Anh Quân, quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới - phòng VAR - Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ 17-18 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Bị cáo Đặng Trần Khanh, phó Trưởng phòng VAR, 16-17 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
VKSND TP HCM vẫn đang đề nghị mức án đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các trung tâm đăng kiểm tại TP HCM và nhiều tỉnh thành.
Người tự xưng ‘Thích Tâm Phúc’ bị tuyên phạt 8 năm tù
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Củ Chi (TPHCM) hôm nay (6/8), HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Phúc (tự xưng là "đại đức Thích Tâm Phúc", 40 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) 3 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 4 năm 6 tháng tù về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tổng hợp hình phạt chung, buộc bị cáo Phúc phúc chấp hành 8 năm tù.
|
Bị cáo Nguyễn Minh Phúc tại phiên tòa. |
Theo HĐXX, qua hồ sơ, chứng cứ và diễn biến phiên tòa, HĐXX xác định đủ cơ sở khẳng định bị cáo Nguyễn Minh Phúc đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt 70 triệu đồng của bị hại trong vụ án. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Minh Phúc còn thuê người làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hành vi của bị cáo Nguyễn Minh Phúc, theo HĐXX là đã cấu thành tội phạm, bị cáo Phúc đã xâm phạm tới quyền sở hữu tài sản của người khác.
HĐXX cũng nêu rằng, tại phiên tòa bị cáo Phúc thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo và đã khắc phục một phần hậu quả, bị cáo có nhân thân tốt… là những nội dung mà HĐXX đã cân nhắc trong lúc nghị án để giảm một phần hình phạt cho bị cáo Phúc.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện KSND huyện Củ Chi tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phúc 3-4 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và 2-3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung, Viện Kiểm sát đề nghị bị cáo phải chấp hành 5-7 năm tù.
Về phần bị cáo Nguyễn Minh Phúc, khi được HĐXX cho nói lời sau cùng, bị cáo xin HĐXX khoan hồng để chăm sóc mẹ già và tiếp tục tu tập.
Theo nội dung vụ án, năm 2021, bà Lê Thị H.T. (SN 1973, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) mua thửa đất có diện tích 420,3m² tại huyện Củ Chi giá 2,4 tỷ đồng nhưng chưa làm thủ tục tách thửa được.
Bà T. nhờ Phúc làm thủ tục tách một thửa đất thành hai thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSDĐ) đất riêng. Phúc thỏa thuận làm thủ tục tách thửa đất với chi phí 135 triệu đồng, nhận trước 70 triệu đồng. Liền đó Phúc thuê người làm 2 giấy CNQSDĐ giả trên ứng dụng mạng xã hội, rồi đưa cho bà T. một bản, bản còn lại cùng giấy CNQSDĐ thật của bà T. cất vào két sắt, đợi đến lúc bà T. đưa hết số tiền còn lại mới giao trả.
Sự việc bị bại lộ, Phúc bỏ trốn sang Thái Lan. Ngay khi về Việt Nam, Phúc bị công an triệu tập để làm việc. Khám xét khẩn cấp tại nhà của Phúc, công an thu giữ 1 Giấy CNQSDĐ giả và 1 Giấy CNQSDĐ thật của bà T..
Đối với hành vi làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức, Cơ quan chức năng phát hiện Phúc sở hữu nhiều giấy tờ giả gồm huân chương, bằng khen các loại, cùng 3 giấy tờ bằng tiếng nước ngoài.
Trong lúc vụ án đang được điều tra, Phúc giao nộp cho cơ quan chức năng một số giấy tờ giả là: 1 giấy chứng nhận tăng ni, 1 giấy chứng điệp thọ giới, 1 bằng thạc sĩ luật kinh tế và 1 bằng tiến sĩ ngành luật tôn giáo của Trường đại học Nội vụ Hà Nội.
Đề cập tới vụ án này, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết trong một buổi họp báo rằng, Nguyễn Minh Phúc học tại Chùa Hoằng Pháp trong giai đoạn 2000-2010, người này làm lễ quy y, nhưng chưa xuất gia.
Năm 2010, Phúc trở về địa phương, tự lập chùa ‘Ngộ Chân Tử’ để sinh hoạt tôn giáo trái phép và tự xưng là ‘Đại đức Thích Tâm Phúc’. Cơ quan chức năng đã mời ông Phúc làm việc, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ biển chùa và không sinh hoạt tôn giáo tại nhà. Tuy nhiên, Phúc tiếp tục sinh hoạt tôn giáo trái phép, thông qua việc thành lập các công ty, doanh nghiệp ngụy trang.