Đây là điểm mới trong thông tư 59/2024 do Bộ Công an ban hành có hiệu lực từ năm 2025, sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 79/2020 quy định việc kiểm soát xuất nhập cảnh với công dân Việt Nam tại cửa khẩu.
Về công việc của đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh, thông tư bổ sung nhiệm vụ "thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân tại các cửa khẩu theo quy định pháp luật".
Hiện nay, từ 1/7, vân tay và ảnh khuôn mặt cùng với thông tin sinh trắc học của công dân cũng được thu nhận khi làm thủ tục đề nghị cấp căn cước công dân. Việc thu thập các thông tin này, theo Bộ Công an, là để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân và hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người.
Thông tư 59/2024 cũng bổ sung một khoản mới quy định về kiểm chứng xuất nhập cảnh.
Kiểm chứng xuất nhập cảnh là việc xác nhận công dân Việt Nam đã hoàn thành thủ tục xuất hoặc nhập cảnh một cách hợp lệ. Trong đó bao gồm đóng dấu hoặc không đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh; thông tin về quá trình xuất, nhập cảnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh có giá trị thay thế dấu kiểm chứng đóng trên giấy tờ của công dân.
Nhiệm vụ kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh cũng được quy định cụ thể hơn, chia thành hai trường hợp. Nhà chức trách sẽ đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân khi chưa kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Nếu đã kết nối, nhà chức trách sẽ không đóng dấu kiểm chứng vào giấy tờ xuất nhập cảnh.
Ngoài ra, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh còn có nhiệm vụ thực hiện tạm hoãn xuất cảnh với công dân Việt Nam theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2023.
Một điểm mới sẽ được áp dụng nữa là quy định rõ hơn về việc kiểm soát qua cổng kiểm soát tự động. Quy trình kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng tự động sẽ do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành.
Theo thông tư, đơn vị giám sát xuất nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu và các khu vực khác có nhiệm vụ điều tiết khách xếp hàng trật tự trước các bục kiểm soát, chỉ dẫn những điều cần thiết khi hành khách đề nghị hoặc thắc mắc. Đơn vị này cũng sẽ giám sát chặt người lên, xuống phương tiện, tổ chức tuần tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu; ngăn chặn người không có nhiệm vụ ra vào khu vực kiểm soát, kiểm tra giấy tờ của người có dấu hiệu vi phạm pháp luật...
* Chứng minh nhân dân hết hiệu lực từ 1/1/2025
Chứng minh nhân dân không còn được sử dụng từ 1/1/2025. (Ảnh: VGP) |
Từ đầu năm 2025, chứng minh nhân dân sẽ hết hiệu lực theo Điều 46, Luật Căn cước 2023.
Theo Điều 46, Luật Căn cước 2023, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Như vậy, tất cả chứng minh nhân dân 9 số và chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp, còn thời hạn sử dụng sẽ chỉ được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024 và hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025. Kể từ ngày 1/1/2025 công dân cần phải đổi sang thẻ Căn cước để sử dụng.
Công dân không phải nộp lệ phí trong trường hợp đề nghị cấp thẻ Căn cước lần đầu khi chuyển từ Chứng minh nhân dân sang (khoản 2, Điều 38 Luật Căn cước).
* Từ năm 2025, có giấy phép lái xe cho riêng ô tô điện tại Việt Nam
Người điều khiển ô tô điện sẽ phải thi sát hạch để lấy giấy phép lái xe tương tự với người điều khiển ô tô sử dụng hộp số tự động từ ngày 1/1/2025.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 35/2024/TT-BGTVT với hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Theo đó, thông tư có các quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là các quy định rõ hơn về giấy phép lái xe (GPLX) đối với người điều khiển ô tô điện ngày càng tăng tại Việt Nam.
Người điều khiển ô tô điện sẽ phải học các phần lý thuyết và thực hành, sau đó thi sát hạch để lấy GPLX tương tự với lái xe hạng B số tự động, có một số khác biệt so với xe chuyển số cơ khí (số sàn).
Cụ thể, người dân muốn đủ điều kiện sát hạch GPLX hạng B số tự động và ô tô điện sẽ phải học tổng thời gian 203 giờ, trong khi người học lái xe số sàn cần thời gian dài hơn là 235 giờ.
Với các nội dung đào tạo lý thuyết, học viên thi bằng lái ô tô điện sẽ hoàn thành 136 giờ học về: Pháp luật giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa xe thông thường; đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kỹ thuật lái xe; học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông.
Đối với đào tạo thực hành, học viên phải hoàn thành đủ 203 giờ học. Trong đó, thời gian học trên sân tập lái tương đương với xe số sàn là 41 giờ và thời gian lái xe trên đường là 24 giờ. Học viên thi bằng lái ô tô điện cũng phải hoàn thành tổng quãng đường đào tạo thực hành 1.000 km, xe số sàn là 1.100 km.
Thông tư này cũng có quy định về việc người sở hữu giấy phép lái xe hạng nào trong GPLX thì sẽ chỉ được lái loại xe đó. Do đó, nếu sở hữu GPLX hạng B số tự động hoặc xe điện sẽ không được phép điều khiển ô tô số sàn.
* Không khí lạnh tăng cường xuống miền Bắc, có nơi dưới 5 độ C
Khu vực Hà Nội trời tiếp tục rét, từ đêm 13/12 trời rét đậm. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến phía Bắc của khu vực Trung Trung Bộ; vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.
Về diễn biến không khí lạnh trong 24 giờ đến 48 giờ tới, trên đất liền, ngày 13/12, không khí lạnh tăng cường tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ. Từ đêm 13/12, không khí lạnh được tăng cường thêm và ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - 5.
Khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung trời tiếp tục rét, vùng núi miền Bắc rét đậm, có nơi rét hại; từ đêm 13/12 miền Bắc và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở miền Bắc phổ biến từ 10 - 13 độ C, vùng núi 7 - 10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C; ở Bắc miền Trung phổ biến từ 12 - 15 độ C.
Khu vực Hà Nội trời tiếp tục rét, từ đêm 13/12 trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 10 - 13 độ C.
Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ, gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2 - 3,5 m. Từ đêm 13/12, gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2 - 4 m.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 - 6 m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8; biển động; sóng biển cao từ 2 - 4,5 m.
Từ đêm 13/12, vùng biển phía Bắc khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - 8; biển động, sóng biển cao từ 2 - 4 m.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ ngày 13/12 đến khoảng ngày 15/12, khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác. Trời rét có khả năng ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi.
* Từ đêm 13/12, vùng núi Bắc Bộ có nơi dưới 5 độ C
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm 13/12, không khí lạnh được tăng cường bổ sung và ảnh hưởng đến các khu vực khác thuộc Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ. Gió đông bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5.
Từ đêm 13 đến ngày 15/12, Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi rét đậm, rét hại. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến từ 10-13 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C.
Khu vực Điện Biên và từ Nghệ An đến Quảng Bình trời rét, có nơi rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến từ 12-15 độ C, khu vực Điện Biên có nơi dưới 11 độ C.
Khu vực Hà Nội trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này phổ biến 10-13 độ C.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên từ đêm 13 đến khoảng 15/12 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Cảnh báo, mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Trên biển, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, đêm 13 và ngày 14/12, vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 2-4,5m.
Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Vùng biển từ Bình Định đến Phú Yên và phía bắc khu vực giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, ngày có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-5m.
Cảnh báo, gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Dự báo thời tiết tại các khu vực trên cả nước từ đêm 13 đến ngày 15/12:
Khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa: Có mưa vài nơi. Trời rét đậm, vùng núi rét đậm, rét hại; riêng Điện Biên trời rét, có nơi rét đậm.
Khu vực Nghệ An đến Quảng Bình: Có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trời rét, có nơi rét đậm.
Khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa: Có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; riêng Ninh Thuận, Bình Thuận có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to.
Tây Nguyên và Nam Bộ: Có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
* Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc và đảng cầm quyền giảm mạnh
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 11% trong bối cảnh làn sóng phản ứng của công chúng ngày càng tăng sau tuyên bố thiết quân luật đêm 3/12.
Khảo sát do Gallup Korea công bố ngày 13/12 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon Suk Yeol tiếp tục giảm 5% so với tuần trước. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ khi ông Yoon nhậm chức vào tháng 5/2022.
Cuộc khảo sát được tiến hành với trên 1.000 người trưởng thành cho thấy đánh giá tiêu cực về ông Yoon Suk Yeol đã tăng lên mức cao kỷ lục là 85%. Trong đó, 49% số người đánh giá tiêu cực là do việc ban bố thiết quân luật, 8% đánh giá tiêu cực là do các yếu tố kinh tế. Về khả năng luận tội Tổng thống, 75% số người được hỏi bày tỏ quan điểm ủng hộ, trong khi 21% phản đối.
Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền đã giảm 3% so với tuần trước xuống còn 24%, trong khi con số ủng hộ đảng Dân chủ (DP) đối lập chính tăng 3% lên 40%. Đây là lần đầu tiên sự ủng hộ dành cho DP ghi nhận cách biệt lớn so với PPP kể từ khi chính quyền hiện tại ra mắt.
Cuộc khảo sát có biên độ sai số cộng hoặc trừ 3,1%, với tỷ lệ tin cậy là 95%./.