Tin 24h ngày 11/9/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ; tăng cấp không theo quy luật; thời gian lưu bão trên đất liền dài; vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to, lũ lớn; một số nơi vượt mức lũ cao nhất trong lịch sử; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 công điện và liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất; thành lập các Đoàn do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương; quyết định lập Ban chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão.
Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 3 rất lớn. Đến 13h00 ngày 10/9 đã có 146 người chết và mất tích; gần 800 người bị thương; gần 50.000 nhà ở bị hư hỏng; thiệt hại rất lớn về lúa, hoa màu, cây ăn quả, thủy sản, gia súc, gia cầm; mất điện, liên lạc trên diện rộng. Hiện nay, các cơ quan, địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, cập nhật thiệt hại. Nhu cầu về nguồn lực để khắc phục hậu quả là rất lớn.
Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức quyên góp, ủng hộ nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra và hưởng ứng Lễ phát động ủng hộ đồng bào của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, với tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ ít nhất 01 ngày lương gửi đến đồng bào bị thiệt hại.
Với tình cảm hướng về đồng bào tại các địa phương bị thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ tham dự phát động và trực tiếp ủng hộ đồng bào. Tại các đơn vị phía Nam của Văn phòng Chính phủ, cùng thời điểm này, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ và gửi về Công đoàn Văn phòng Chính phủ.
* Phân bổ bước đầu 380 tỷ đồng hỗ trợ 20 địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3
Thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tối 10/9 cho biết: căn cứ tình hình thiệt hại và điều kiện thực tế của các địa phương, đợt hỗ trợ đầu tiên sẽ dành cho 20 địa phương chịu thiệt hại do cơn bão số 3 với tổng số tiền 380 tỷ đồng theo các mức:
Mức 1, gồm 8 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình. Mỗi tỉnh sẽ nhận hỗ trợ 30 tỷ đồng.
Mức 2, gồm 8 tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Mỗi tỉnh nhận 15 tỷ đồng.
Mức 3, gồm 4 tỉnh: Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang. Mỗi tỉnh nhận 5 tỷ đồng.
Trước đó, trong khuôn khổ Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và các địa phương đã ủng hộ, đăng ký ủng hộ tổng cộng hơn 407 tỷ đồng.
* Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả bão lũ
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, thay mặt Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã phát động ủng hộ đồng bào các địa phương chịu thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Những ngày qua, cùng với các lực lượng tuyến đầu chống bão lũ, hội viên nhà báo không ngại hiểm nguy, xung kích giữa tâm bão và trong vùng lũ; đối mặt gian khó, hiểm nguy, chấp nhận hy sinh những quyền lợi thiết thân nhất, nỗ lực hết mình hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời cung cấp thông tin về bão lũ đến với công chúng trong và ngoài nước. Những ngày tới, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cấp Hội, các cơ quan báo chí và mỗi hội viên nhà báo tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, dấn thân tác nghiệp sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao tạo sức mạnh đồng thuận trong cộng đồng, góp phần hiệu quả, thiết thực vào việc khắc phục hậu quả bão lũ. Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cũng kêu gọi và đề nghị các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước chủ động, tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, mỗi cơ quan báo chí, Hội Nhà báo, Liên chi hội, Chi hội Nhà báo và từng hội viên tùy theo khả năng của mình hoặc kết nối các nguồn lực xã hội để ủng hộ tài chính, nhu yếu phẩm thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình, kịp thời biểu dương, động viên, tiếp sức hội viên nhà báo đang dấn thân tác nghiệp; phối hợp hỗ trợ trường hợp hội viên thực sự khó khăn trong vùng lũ bằng những hoạt động thiết thực, nhân văn.
* 201 người chết và mất tích do bão số 3 cùng mưa lũ tính đến 9 giờ ngày 11/9
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tổ chức tìm kiếm các nạn nhân sau trận lũ ống, lũ quét xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, ngày 10/9/2024. Ảnh: TTXVN phát |
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, các địa phương đã thống kê một số thiệt hại tính đến 9 giờ ngày 11/9/2024, có 201 người chết, mất tích (trong đó 143 người chết, 58 người mất tích).
Cụ thể tại một số địa phương: Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích); Lào Cai: 66 người (45 người chết, 21 người mất tích). Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích). Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người). Hải Phòng: 2 người chết do bão. Hải Dương: 1 người chết do bão. Hà Nội: 1 người chết do bão. Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất. Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất. Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn. Tuyên Quang: 3 người do lũ (2 người chết, 1 người mất tích). Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích). Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất. Vĩnh phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền). Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người chết do sạt lở đất).
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 3; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức báo động 2, lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3, lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 2, lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức báo động 3; lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3; lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa 11/9, trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.
Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 2; tại Phú Thọ xuống mức báo động 1; lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 2; lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Lục Nam biến đổi chậm ở trên mức báo động 2; lũ trên sông Thái Bình biến đổi chậm ở trên mức báo động 3, lũ trên sông Hoàng Long sẽ xuống chậm ở mức báo động 3; lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức báo động 2.
Cảnh báo, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.
Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng - Thái Bình.
* Trước những ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều người dân trên địa bàn TP. Thái Nguyên nằm trong vùng ngập sâu, thậm chí bị cô lập. Để kịp thời giúp đỡ bà con trong vùng lũ, những ngày qua, các lực lượng chức năng của tỉnh và TP. Thái Nguyên cùng các nhà hảo tâm đã nỗ lực di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; đồng thời, cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con vùng lũ.
Theo số liệu thống kê, tính đến 10 giờ 30 phút ngày 10/9, TP. Thái Nguyên đã tiếp nhận cứu trợ của 35 cá nhân, đoàn tài trợ, với số lượng, gồm: 1 xuồng máy, 115 thuyền, gần 2.000 áo phao; trên 2.500 đèn pin; gần 800 thùng sữa; 444 thùng bánh mỳ, 238 cái bánh ruốc, 600 bánh mỳ trứng; 320 thùng nước; gần 750 thùng mỳ tôm; 22 thùng lương khô; gần 1.000 suất cơm… và nhiều đồ dùng thiết yếu khác. Sau khi tiếp nhận, TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chuyển đến các điểm cứu trợ tại các xã, phường bị ảnh hưởng trên địa bàn, kịp thời cung ứng cho người dân bị ảnh hưởng. rà soát tại các địa phương, đảm bảo hầu hết người dân chịu ảnh hưởng bởi nước lũ, trong đó, tất cả các hộ dân bị cô lập nhận được đồ tiếp tế, hạn chế đến mức thấp nhất việc hộ dân bị ngập úngbị thiếu lương thực, thực phẩm.
* Mực nước sông Cầu giảm 193cm so với đỉnh lũ
Văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên thông báo: Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, đến 13h ngày 11/9/2024, mực nước trên sông Cầu tại trạm Gia Bẩy 2688 cm, thấp hơn báo động III 12cm, giảm 193cm so với đỉnh lũ. Tại trạm Chã 1072cm, hơn báo động III 72cm.
* TP Thái Nguyên: nhiều tuyến đường đã lưu thông trở lại
Từ sáng 11/9, giao thông trở lại bình thường trên cầu Gia Bẩy và cầu Bến Tượng, TP Thái Nguyên.
Các phương tiện cũng đã có thể lưu thông bình thường trên đường Bắc Nam - Huống Thượng và đường Huống Thượng - Chùa Hang.
* Người dân dọn dẹp nhà cửa, đường phố sau ngập lụt
Trong sáng nay, khi nước ở một số nơi trên địa bàn thành phố Thái Nguyên bắt đầu rút, nhiều người dân đã trở về nhà, bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả sau trận lụt lịch sử. Có thể thấy, sau khi nước rút đi, một lượng lớn bùn đất đọng lại trên các tuyến đường, trong nhà dân khiến việc dọn dẹp gặp rất nhiều khó khăn. Sáng nay, trời vẫn tiếp tục có mưa nên công tác khắc phục ngay tại mỗi gia đình cũng đều đang gặp nhiều cản trở. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này, là sớm được trở lại với cuộc sống bình thường, dù mọi thứ còn đang rất bộn bề.