Tiền gửi tiết kiệm cao nhất lịch sử
Năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành. Lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
5%, thậm chí dưới 5% đang là lãi suất gửi tiết kiệm cho kỳ hạn 1 năm người dân có thể nhận được ngay thời điểm này khi gửi tiền tại nhiều ngân hàng lớn, nhỏ.
Con số này thấp hơn đến 4% so với hồi đầu năm là mức 9%. Thấp như vậy, nhưng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế vẫn đạt hơn 18 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10,8% so với đầu năm, mức tăng này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức tiền gửi cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Nhiều người chọn gửi tiết kiệm, nhưng không hẳn để sinh lời.
"Khi có một khoản, mình sẽ gửi vào ngân hàng để đảm bảo an toàn. Mặc dù lãi suất thấp, nhưng gửi ngân hàng mình cảm thấy tin tưởng, an toàn", chị Bùi Kim Thi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ.
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đạt hơn 18 triệu tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí) |
"Mình nghĩ năm sau còn khó khăn hơn, nên vợ chồng mình gửi tiền vào ngân hàng, cảm giác an toàn nhất", anh Nguyễn Mạnh Hùng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết.
"May đo" gói tín dụng cho doanh nghiệp
Lãi suất huy động đã giảm đáng kể, nhưng các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay cần sớm có mức giảm tương ứng, bởi mức như hiện nay vẫn khá cao. Thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được dòng vốn ngân hàng.
Chưa tiếp cận được vốn ngân hàng cũng có thể sau giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp không đủ các điều kiện để vay. Còn lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng. 13%/năm là mức lãi suất không ít doanh nghiệp phải trả để vay hồi đầu năm nay, tuy nhiên đến hiện tại, dù đã có độ trễ nhưng mức lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 2%.
"Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, ưu đãi cho doanh nghiệp thủy sản, lãi suất chỉ khoảng 5,5%, tiết kiệm cho chúng tôi khoảng 3,5% đã giúp tăng biên độ lợi nhuận cho công ty để tăng lợi thế cạnh tranh", ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty HDC, cho biết.
Nhiều ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm may đo cho từng đối tượng doanh nghiệp, là vừa và nhỏ, xuất khẩu hay hộ kinh doanh, thậm chí là linh hoạt tài sản đảm bảo.
"Chúng tôi đưa ra các gói sản phẩm làm sao phù hợp với người ta, từ tài sản bảo đảm chúng tôi sẽ linh hoạt, sẽ đưa ra gói lãi suất nhỏ, vì ng ta cũng không cần vay lớn, 10 - 20 tỷ, có khi 1 - 2 tỷ là đã đủ cho sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ OCB, cho hay.
Giữ nền lãi suất cho vay thấp để hướng dòng vốn đến các lĩnh vực ưu tiên là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong năm 2024.
"Trong năm 2024, chúng tôi hướng tới các doanh nghiệp xuất khẩu, tăng trưởng xanh... Với người dân, chúng tôi hướng tới tín dụng tiêu dùng, nhà ở để hỗ trợ thị trường bất động sản, ô tô", ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, thông tin.
Linh hoạt trong điều hành tăng trưởng tín dụng
Đến nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt 12,26%. Trong đó, dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9%. Tín dụng cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng khoảng 10%. Riêng 2 nhóm này đã chiếm đến gần 45% tổng dư nợ của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng.
Chỉ tháng 12, khoảng 250.000 tỷ đồng đã được bơm ra nền kinh tế. Việc các ngân hàng có thể chủ động tăng trưởng tín dụng khi đạt các chỉ tiêu, thay vì phải chờ xin phê duyệt cũng đã góp phần giúp dòng vốn luân chuyển nhanh hơn. Các chuyên gia đánh giá, đây là sự linh hoạt trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
"Các ngân hàng sẽ có kế hoạch trong việc phân bổ room tín dụng như thế nào và tăng trưởng tín dụng như thế nào gửi lên cho NHNN. Điều này sẽ làm cho các ngân hàng sẽ linh động hơn, chủ động hơn trong kế hoạch của mình. Việc làm này theo quan điểm của tôi sẽ mang tính thị trường hơn và sẽ khiến các ngân hàng tự chủ hơn", ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, Công ty Chứng khoán MB, đánh giá.
"Căn cứ theo tiêu chí chung các ngân hàng, ngân hàng nào đạt được tiêu chí đó thì được chủ động tăng. Chúng tôi kỳ vọng rằng trong thời gian tới, việc phân bổ room sẽ được rộng rãi hơn ngay từ đầu năm, như vậy các ngân hàng thương mại có thể chủ động hơn trong việc phân bổ tăng trưởng tín dụng như thế nào", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, nhận định.
Từng ngân hàng có thể chủ động lên kế hoạch phân bổ tăng trưởng tín dụng ngay từ những ngày đầu năm sẽ giúp cả hệ thống ngân hàng linh hoạt hơn trong việc tập trung vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra việc cho vay sân sau, cho vay chéo trong hệ sinh thái sẽ giúp dòng tiền thực sự đi vào những lĩnh vực ưu tiên, đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế./.