Thủ tướng: Ninh Bình cần phát triển công nghiệp phụ trợ chất lượng cao
Chiều 7/4, tại Thành phố Ninh Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng lãnh đạo một số bộ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Gợi ý tầm nhìn phát triển cho tỉnh, Thủ tướng cho rằng, Ninh Bình cần phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ chất lượng cao, công nghiệp không ô nhiễm và làng nghề truyền thống.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh cho biết, năm ngoái, tỉnh thu hút hơn 6,5 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu trên 1.700 tỉ đồng. Ninh Bình đang đẩy mạnh huy động doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, thực hiện “văn minh du lịch” để góp phần xây dựng thương hiệu của du lịch Ninh Bình.
Ninh Bình cũng đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp với định hướng là công nghiệp hiện đại và công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, với mũi nhọn là sản xuất ô tô. Cùng với đó là phát triển công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp để giải quyết việc làm khu vực nông thôn.
Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết doanh nghiệp và nông dân, xây dựng các chuỗi sản xuất từ sản xuất giống đến chế biến và tiêu thụ. Một số mô hình hiệu quả như sản xuất gạo, khoai tây, rau sạch, nuôi tôm nhà lưới. Hiện sản phẩm gạo của tỉnh đã có thương hiệu và đã xuất khẩu tốt sang Hàn Quốc, Nga, Châu Âu.
Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện một cửa liên thông, tăng chỉ số minh bạch, tiếp cận đất đai, tư vấn pháp lý. Năm ngoái, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Ninh Bình đứng thứ 19 cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh: Là tỉnh nhỏ, nhưng Ninh Bình phát triển toàn diện, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, thu ngân sách tăng, xuất khẩu trên 1 tỉ USD; xây dựng nông thôn mới đứng tốp đầu cả nước với 60/119 xã đạt chuẩn. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhất là thực hiện một cửa, một cửa liên thông. An sinh xã hội, việc làm được quan tâm; giáo dục và đào tạo tăng cả quy mô và chất lượng; an ninh chính trị được giữ vững.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội quý 1/2017, Thủ tướng đánh giá cao Ninh Bình có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn bình quân cả nước; khách du lịch đạt 3,5 triệu lượt, tăng 30%.
Ninh Bình đã có bước đi đúng hướng, chọn du lịch dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí ô tô phát triển tốt; quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn…
Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình |
Tuy vậy, Ninh Bình vẫn có những tồn tại, bất cập, như quy mô kinh tế còn nhỏ, nhiều lĩnh vực còn lạc hậu; vẫn là tỉnh nhận 50% hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; thu nhập bình quân đầu người của Ninh Bình chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng, trong khi mức bình quân chung của cả nước khoảng 49 triệu đồng. Tỷ lệ dân số phụ thuộc vào nông nghiệp còn lớn, lao động trong lĩnh vực này vẫn 70%. Nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình sản xuất hàng hóa của tỉnh còn ít.
Tỉnh cũng chưa khai thác đầy đủ và hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, doanh thu du lịch còn thấp, khách lưu trú chưa nhiều và du lịch Ninh Bình chưa là hình mẫu phát triển du lịch, đóng góp của du lịch vào GDP còn thấp. Số lượng doanh nghiệp tại tỉnh còn thấp, mới trên 6.000 doanh nghiệp, nhất là với vùng đất địa linh, nhân kiệt, con người dám nghĩ dám làm như Ninh Bình.
Để phát triển Ninh Bình thời gian tới, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho tỉnh cần có tinh thần quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2017.
Để thực hiện được các "mũi nhọn" của kinh tế thì phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đảm bảo thông suốt và thuận lợi cho địa phương, trong vùng và trung tâm kinh tế của cả nước. Tỉnh hiện có 6 quốc lộ, nhưng vẫn thiếu những hạ tầng quan trọng để phát triển lâu dài. Song song với đó là đẩy mạnh xã hội hóa phát triển hạ tầng, coi đây là khâu đột phá của phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Trong kết cấu ngành và lĩnh vực trên địa bàn, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải có cơ cấu lại để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, để phát triển theo chiều sâu và cơ cấu lại tất cả các ngành. Trong đó có du lịch, đưa du du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình, quảng bá, xúc tiến du lịch đến du khách. Ninh Bình cần giữ gìn và phát huy khu di tích Bái Đính - Tràng An tiếp tục là khu du nổi tiếng của Việt Nam.
Với nhiều tài nguyên phong phú, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Tỉnh phải xác định rõ đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để nâng cao đời sống của người dân, nâng tính hấp dẫn của trung tâm du lịch hàng đầu cả nước.
Tỉnh cũng cần chú ý cải thiện các chỉ số đang thấp như tiếp cận đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức… để trở thành tỉnh tốp đầu về chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội như bảo hiểm y tế; đảm bảo an ninh, an toàn, an sinh xã hội.
Để thực hiện được các nhiệm vụ vừa nêu, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo tỉnh đoàn kết, thống nhất, quyết tâm hơn, thực hiện trách nhiệm Đảng bộ và nhân dân giao.
Sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng tới thăm hỏi, động viên và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Tố, tại Phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Thủ tướng cũng đã tới thăm ông Hà Văn Cộng, cán bộ lão thành đã được trao Huy hiệu 65 năm Tuổi Đảng, quê ở Xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.
Ninh Bình là tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước. Tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội. Năm ngoái, kinh tế của tỉnh tăng trưởng 7,76%, thu ngân sách hơn 7.260 tỉ đồng.
Là tỉnh có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng được xác định là một trong 16 khu du lịch trọng điểm của cả nước, tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn./.