Thủ tướng kêu gọi kiều bào chung sức xây dựng TP HCM
Chiều nay (12/11), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, do Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức.
Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cũng lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các Bộ, ngành. Khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế cả nước, Thủ tướng kêu gọi bà con kiều bào đóng góp tri thức, trí tuệ, nguồn lực vào sự phát triển của Thành phố, cùng chung sức, chung lòng xây dựng đất nước Việt Nam phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị |
Với sự tham gia của khoảng 500 kiều bào là các doanh nhân, trí thức tiêu biểu, lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, các kiều bào về dự hội nghị đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị lần này của Bộ Ngoại giao và Thành phố Hồ Chí Minh, cho đây là cơ hội tốt để kiều bào trực tiếp tham gia cống hiến tri thức, chất xám, nguồn lực cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước.
Tiến sỹ Phan Bích Thiện, kiều bào Hungaria, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, trong 4,5 triệu kiều bào, số chuyên gia trí thức rất lớn. Do vậy, Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ ngành cần xây dựng được các đầu mối kiều bào Việt Nam ở nước ngoài để kết nối với trong nước, nhất là về những vấn đề nóng của thành phố và đất nước như môi trường, khoa học công nghệ. Các nội dung này có thể đưa nên các trang web, đón nhận các ý kiến phản hồi hoặc lời đề nghị hợp tác từ các nhà đầu tư, nhà khoa học là kiều bào nước ngoài.
Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu, tiến sỹ Phan Bích Thiện đề xuất giải pháp để kết nối giữa các đề tài nghiên cứu khoa học với thị trường và nhu cầu doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Cường, kiều bào Pháp, chia sẻ về việc thúc đẩy đào tạo nhân lực kinh tế chất lượng cao để đưa thành phố trở thành trung tâm giáo dục quốc tế của khu vực như lãnh đạo thành phố mong muốn. Hiện nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng thực tiễn, nhiều người có bằng đại học ra trường vẫn thất nghiệp.
Ông Lê Văn Cường cho rằng, cần định hướng lại việc đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường và đặc biệt là đào tạo các giáo viên, giảng viên giỏi để phục vụ công tác giảng dạy. Trong đó, cần có cơ chế khuyến khích những tri thức giỏi của Việt Nam từ nước ngoài về nước giảng dạy.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động và cảm nhận sự ấm cúng khi được gặp gỡ đông đảo bà con kiều bào về dự hội nghị, những người con của dân tộc dù xa tổ quốc nhưng trái tim luôn hướng về đất nước. Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, những sáng kiến, đóng góp của của các kiều bào đối với Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước, trong đó có vấn đề khởi nghiệp.
“Tôi rất xúc động khi nghe về những câu chuyện khởi nghiệp tại Việt Nam của kiều bào. Đặc biệt là câu chuyện của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, dù đã trên 60 tuổi nhưng đã quay lại Việt Nam để khởi nghiệp một lần nữa.
Tôi hiểu rằng, đằng sau ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp đó là cả tấm lòng sâu nặng với quê hương, đất nước. Tiềm năng và nguồn lực phát triển của chúng ta không chỉ nằm vỏn vẹn trong dải đất hình chữ S rộng hơn 330.000 km2, mà là ở rất nhiều nơi trên hành tinh này.
Đất nước này luôn chào đón những người con của dân tộc Việt Nam trở về đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực để đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, các ý kiến đóng góp của các kiều bào đối với Thành phố Hồ Chí Minh và đất nước rất sâu sắc, tâm huyết, như vấn đề ách tắc giao thông, xây dựng thí điểm thành phố khởi nghiệp, thành phố thông minh, những vụ kiện quốc tế, các vấn đề chiến lược của đất nước về giáo dục đào tạo, kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ, khuyến khích đầu tư…
Thời gian qua, cũng đã có nhiều doanh nghiệp kiều bào đã tích cực hợp tác với các doanh nhân trong nước đưa hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ra nước ngoài; đầu tư, thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước; nhiều trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo; triển khai các dự án từ thiện, xã hội ở trong nước...
Đặc biệt lượng kiều hối gửi về nước ngày càng tăng với 12,5 tỷ USD vào năm ngoái. Phần lớn kiều hối chuyển về đều hướng vào đầu tư, sản xuất kinh doanh và giải quyết đời sống một bộ phận dân cư trong nước.
Lấy ví dụ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel... đã phát triển thành những nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới, một phần là nhờ biết phát huy hiệu quả các nguồn lực của kiều dân sinh sống ở nước ngoài, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tự hào có những người con nước Việt là chuyên gia, trí thức trình độ cao ở các nước phát triển, có điều kiện tiếp cận nhanh nhất, thuận lợi nhất với công nghệ tiên tiến, tri thức tiến bộ của thế giới, là cơ hội tốt để đóng góp giúp đất nước phát triển nhanh hơn.
Cùng với những đóng góp đó, Thủ tướng lưu ý kiều bào trong việc gìn giữ, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài./.