Thủ tướng chủ trì Hội nghị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học.
Theo Thủ tướng, thành phần tham dự hội nghị liên quan chặt chẽ với việc phát triển lúa gạo gồm các bộ, ngành, địa phương, tức là các cơ quan quản lý Nhà nước về lúa gạo; thứ hai là các nhà khoa học và thứ ba là các doanh nghiệp. Khoa học công nghệ không phát triển thì lúa gạo không thể đáp ứng yêu cầu thị trường, còn doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển lúa gạo ở Việt Nam.
“Bây giờ sản xuất phải gắn với thị trường, không thể sản xuất cái anh có mà sản xuất cái thị trường cần”, Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn các đại biểu “nói thẳng, nói thật về những vướng mắc hiện nay”, nhất là về xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao chất lượng, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm, chứ không phải về sản lượng với tư duy là năm sau phải cao hơn năm trước nhưng giá trị thì không cao.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề thảo luận là thể chế, quy định nào gây ách tắc, cản trở sản xuất, xuất khẩu. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có gây cản trở, có còn tình trạng ban phát hạn ngạch hay không? Thuế khóa thế nào? Vấn đề đất đai ra sao? Ngay cả tham nhũng, tiêu cực trong ngành lúa gạo có không? Các địa phương có quan tâm sản xuất lúa ở địa phương hay không?
Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách, thể chế để làm sao giải phóng sức sản xuất, xây dựng được thương hiệu, làm sao để cuộc sống người nông dân khá hơn, giảm chi phí trung gian.
“Nói thẳng, nói thật để tháo gỡ chứ không phải hội nghị vỗ tay”, Thủ tướng nói.
Theo các báo cáo tại hội nghị, năm 2016, các DN xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,1 tỷ USD. Hạt gạo Việt Nam có mặt tại trên 150 nước, thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 38%), Philippines (9%), Malaysia (9%), Bờ Biển Ngà (9%)…
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Ước tính, 2 tháng đầu năm nay, các DN xuất khẩu 787.235 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về trị giá so với cùng kỳ.
Thủ tướng đến dự hội nghị lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bên cạnh kết quả đạt được, hạn chế của ngành lúa gạo được xác định là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển. Không có hợp đồng tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh. Đây là những biểu hiện không bền vững trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL.
Sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt. Ở ĐBSCL, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa được lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan; 1,5 lần so với Indonesia và Philippines. Nguyên nhân được chỉ ra tại hội nghị là quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, cơ giới hóa khó khăn. Tại ĐBSCL, quy mô sản xuất trung bình của hộ trồng lúa là 1 ha/hộ, có hơn 48% hộ từ 0,5 - 2 ha. Diện tích cánh đồng lớn chỉ chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa. Liên kết trực tiếp nông dân với DN đã hình thành nhưng còn chậm, chiếm chưa đến 4% tổng sản lượng lúa thu hoạch hàng năm. Chính sách đất đai chưa tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích quá trình tích tụ, tăng quy mô sản xuất. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nông dân đang hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại hội nghị, các ý kiến, tham luận nhất trí cho rằng lúa gạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện dân số tăng, đất nông nghiệp giảm do công nghiệp hóa, đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu. Nhu cầu tiêu thụ và giá gạo thế giới tăng do sự tăng dân số toàn cầu và sử dụng vào các mục đích khác.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2050, nhu cầu sản xuất lương thực trên thế giới phải tăng 70% so với hiện nay để nuôi đủ 9 tỷ người. Lượng gạo giao dịch thương mại vào năm 2022 ước đạt 45 triệu tấn, tăng 23% so với năm 2013. Giá lương thực toàn cầu có thể tăng 10 - 14% trong 10 năm tới.