Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều điểm nghẽn
Xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tạo ra nền kinh tế nông nghiệp bền vững được xác định là chủ trương đúng đắn. Để làm được điều này đòi hỏi rất nhiều bước từ chiến lược, chính sách, quy hoạch, nguồn lực cũng như khả năng thu hút đầu tư. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc thu hút đầu tư vào NNCNC chưa được như kỳ vọng, đặc biệt là việc thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có 29 Khu NNCNC được quy hoạch ở 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 khu đã đi vào hoạt động như Khu NNCNC huyện Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên) với diện tích 300 ha; Khu NNCNC huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) với diện tích 221 ha; Khu NNCNC huyện Phú Hòa (Phú Yên) với diện tích 460 ha; Khu NNCNC huyện Sapa (Lào Cai) với diện tích là 200 ha…
Không phải địa phương nào cũng làm được NNCNC
Lâm Đồng là một trong những địa phương dẫn đầu khi thu hút nhiều nhất các nhà đầu tư FDI vào NNCNC. Hiện tại, sự tham gia đầu tư của các DN FDI vào địa phương này đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10.000 lao động.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. |
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến đã và đang làm gia tăng giá trị hàng nông sản vốn thuộc thế mạnh của tỉnh như các loại rau, hoa, trà ô long… Nhiều sản phẩm hàng hóa đã hình thành được thương hiệu tại thị trường trong nước và thế giới.
“Các dự án FDI với những mô hình sản xuất NNCNC đã có sức lan tỏa đến người dân trong vùng dự án. Nhiều mô hình hiện nay đang được các DN, hộ nông dân của tỉnh áp dụng và nhân rộng, tăng giá trị hàng hóa của các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có khoảng hơn 1.400 DN, cơ sở trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, ông Yên cho biết.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thông qua thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là thu hút các DN FDI đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ đó tăng thu nhập, tăng năng suất, giá trị cho hàng hóa nông sản.
Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu điểm mặt các dự án FDI dành cho lĩnh vực NNCNC thì con số rất khiêm tốn. Các dự án chủ yếu tập trung ở một số vùng miền có lợi thế và không phải địa phương nào cũng có thể thu hút đầu tư vào lĩnh vực NNCNC.
Nhận thấy các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực NNCNC còn chưa thỏa đáng, ThS. Dương Thị Trang, Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh cho rằng, việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chưa áp dụng đối với doanh nghiệp FDI nên các nhà đầu tư còn gặp nhiều hạn chế trong quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, nền nông nghiệp của Việt Nam dù xuất hiện sớm nhưng xuất phát điểm thấp, trình độ nghiên cứu khoa học cũng như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu, thử nghiệm về lĩnh vực này còn thấp, đơn giản. Đó là chưa kể đến những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, quá trình kết nối hộ nông dân với doanh nghiệp còn khó khăn đang là những rào cản cho các DN FDI đầu tư vào NNCNC.
Còn nhiều điểm nghẽn
Trên thực tế, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực NNCNC vẫn đang gặp nhiều điểm nghẽn, nguyên do là bởi đây là lĩnh vực gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Đáng chú ý, nếu câu chuyện về vốn và vấn đề tiếp cận vốn để phát triển NNCNC là điểm nghẽn lớn nhất đối với các DNNVV trong nước, thì với các DN FDI, rào cản chính nằm ở vấn đề tích tụ đất đai, tập trung quỹ đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) cho biết, đã có nhiều đoàn DN Nhật Bản đến Việt Nam tìm hiểu thị trường nông nghiệp, nhưng mới chỉ có một số ít DN đầu tư vốn vào lĩnh vực này. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu.
“Đầu tư vào NNCNC khó nhất là những thủ tục về nguồn đất. Nếu các địa phương quan tâm, có kế hoạch dành quỹ đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp FDI sẽ có nhiều cơ hội và dễ dàng hơn khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, vấn đề logistics của Việt Nam cũng chưa đảm bảo cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, ông Atsusuke Kawada lưu ý.
Để doanh nghiệp FDI có được “đất sạch” trong sản xuất NNCNC, ThS. Dương Thị Trang đề xuất, trong quá trình triển khai tích tụ, tập trung đất đai, chính quyền địa phương cần nỗ lực, tích cực phát huy vai trò của mình để vận động người nông dân thấy được hiệu quả, chủ động hợp tác. Đồng thời, chính quyền địa phương đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai.
Ngoài ra theo ThS. Dương Thị Trang, để thu hút nguồn đầu tư FDI vào NNCNC tốt hơn, Việt Nam cần vận dụng tối đa các biện pháp được WTO cho phép để tăng cường thu hút FDI vào ngành nông nghiệp. Từng bước giảm thiểu rủi ro đầu tư trong nông nghiệp và tăng cường thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền đối với sản phẩm nông nghiệp.
Điều đặc biệt quan trọng đó là Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến vị trí và vai trò của người nông dân, đến vấn đề về thị trường và phát triển thị trường cho sản phẩm nông nghiệp cùng các biện pháp hỗ trợ tích cực khác./.