Thổ Nhĩ Kỳ “cầu cứu” Nga thay vì Mỹ, NATO khi gặp “hoạn nạn” ở Syria
Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra giữa bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara với Washington và các đồng minh NATO đang đi xuống trong khi hợp tác quân sự Nga - Thổ lại ngày càng tăng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin gặp nhau tại Điện Kremlin ngày 8/4/2019. Ảnh: Getty. |
"Trước nhưng đe dọa nghiêm trọng, chỉ huy của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Trung tâm Hòa giải các bên tham chiến ở Syria của Nga để yêu cầu sự giúp đỡ nhằm đảm vảo an ninh và an toàn cho các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các vị trí của phe đối lập", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không phải lúc nào cũng cùng quan điểm về chính sách Syria nhưng mối quan hệ giữa 2 nước này dường như ngày càng được củng cố sau quyết định gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Mỹ và các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cảnh báo rằng hệ thống này không tương thích với hệ thống của NATO. Mỹ thậm chí đã dọa sẽ dừng bán các chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và có thể sẽ đưa Ankara vào danh sách trừng phạt nếu vẫn quyết tâm mua hệ thống quân sự này của Moscow.
"Ngay khi Nga sẵn sàng chuyển giao hệ thống này, chúng tôi sẽ sẵn sàng nhận nó", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố với báo giới trong một cuộc họp báo vào cuối tháng trước.
Các quan chức cho biết sự chuyển giao này có thể sẽ diễn ra vào tháng 7/2019.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng thủ S-400. Thỏa thuận đã xong. Tôi hy vọng hệ thống này sẽ được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng tới", Tổng thống Erdogan khẳng định ngày 13/6.
Các chuyên gia địa chính trị nhận định rằng năm 2018 là một khoảng thời gian có ý nghĩa quan trọng cho mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bởi cuộc chiến ở Syria đã đưa 2 nước này hợp tác với nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự hợp tác này sẽ lâu dài.
"Mặc dù quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga trong lịch sử luôn bị cản trở bởi những nghi kỵ và chia rẽ nhưng từ cuối Chiến tranh Lạnh, 2 nước đã thiết lập được quan hệ kinh tế quan trọng và đặt mục tiêu thương mại song phương đạt 100 tỷ USD", báo cáo năm 2018 của trung tâm phân tích tình báo địa chính trị Stratfor nhận định.
Báo cáo này cũng cho biết thêm: "Những diễn biến gần đây trong cuộc nội chiến ở Syria đã tạo ra sự tương đồng lợi ích lạ lùng giữa Ankara và Moscow nhưng sẽ cần thời gian để xem xét rằng sự hợp tác này có thể trở thành mối quan hệ chiến lược lâu dài hay không"./.