Thiếu giáo viên, trường giảm tiết, phụ huynh lao đao vì con học 1 buổi
Năm học 2017-2018, thực hiện Quyết định 1517/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 của UBND tỉnh Nghệ An thì có tới 98,8% số học sinh tiểu học ở tỉnh này được tổ chức dạy và học 2 buổi/ngày theo 2 mức độ: 35 tiết/tuần đối với vùng thuận lợi, 30 tiết/tuần đối với vùng khó khăn. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện tham gia học và đóng góp kinh phí, tự thỏa thuận về mức đóng góp đảm bảo thu đủ bù chi.
Trường Tiểu học Đôn Phục (Con Cuông, Nghệ An) giảm số tiết xuống còn 26 tiết/tuần thay vì 30 tiết/tuần như năm ngoái. |
Ở các năm học trước, tổng kinh phí huy động từ nguồn đóng góp của phụ huynh là 134,8 tỷ đồng, bảo đảm chi trả mức lương tối thiểu cho giáo viên dạy tăng tiết, giáo viên hợp đồng dạy ngoại ngữ, tin học trong điều kiện biên chế giáo viên tiểu học vùng thuận lợi chỉ mới được UBND tỉnh bố trí mức 1,25 giáo viên/lớp (biên chế dạy học 1 buổi/ngày). Ở các vùng khó khăn, vùng cao, UBND tỉnh Nghệ An chủ trương bố trí đủ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, chủ trương thu tiền để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (theo hình thức tự nguyện) này chưa thực sự nhận được sự đồng tình của tất cả phụ huynh. Đầu năm học này, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo “tạm dừng” việc thực hiện Quyết định số 1517/QĐ-UBND.VX và hiện vẫn chưa có văn bản thay thế.
Trong khi chưa đủ định biên 1,5 giáo viên/lớp để thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày, Sở GGD&ĐT Nghệ An đã có văn bản số 1565/SGD&ĐT-GDTH hướng dẫn các trường lựa chọn mô hình dạy học với số tiết từ 30 - 33 tiết/tuần, thay vì 35 tiết/tuần như trước đây. Thực hiện văn bản này, năm nay đồng loạt các trường đều giảm số tiết và chỉ ưu tiên cho những tiết học văn hóa chính như Tiếng Việt, Ngoại ngữ... Các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, các tiết học kỹ năng sống, các tiết tự ôn tập ở trên lớp đều bị rút ngắn lại.
Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Hưng Nguyên), tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với thời lượng 35 tiết/tuần. Năm học này toàn trường có 26 lớp, 32 giáo viên, thiếu 2 giáo viên. Vì không đủ giáo viên nên các thầy cô hầu hết đều phải tăng từ 3 - 5 tiết/tuần. Thời điểm hiện tại, do không thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày nên nhà trường giảm số tiết xuống còn 33 tiết/tuần.
Học 2 buổi/ngày giúp học sinh củng cố kiến thức, cũng như tham gia được nhiều hoạt động ngoại khóa, năng cao kỹ năng. |
Cắt giảm số tiết buộc nhà trường phải rút đi một tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp và một tiết sinh hoạt lớp. Dù đây không phải là các tiết học chính nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các lớp học và một số nội dung giáo viên phải lồng ghép vào các tiết học khác.
Chị Hồ Thị Thu Hà - phụ huynh có con học lớp 4 tại TP Vinh băn khoăn: “Như năm ngoái, trường tổ chức học 2 buổi/ngày, con ăn bán trú tại trường tôi hết sức yên tâm. Nhưng nếu các trường không thể tổ chức học 2 buổi/ngày tất cả các ngày trong tuần thì nói thật chúng tôi cũng không biết gửi con ở đâu trong buổi còn lại cả”.
Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày là tiêu chí bắt buộc ở các trường chuẩn quốc gia. Nếu như ở các năm trước, Trường Tiểu học Đôn Phục (huyện Con Cuông) tổ chức 30 tiết/tuần (đối với trường vùng cao) thì năm nay chỉ dạy 26 tiết/tuần, đồng nghĩa với duy trì 4/5 số ngày trong tuần là học 2 buổi/ngày giảm xuống còn 2/5 ngày học 2 buổi/ngày. Không thể duy trì học 2 buổi/ngày đồng nghĩa với việc nhà trường có duy trì tiêu chí chuẩn quốc gia.
Theo Chiến lược phát triển giáo dục 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu “đến năm 2020, 90% trường tiểu học và 50% trường trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”. Tuy nhiên, muốn tổ chức được dạy 2 buổi/ngày thì đội ngũ giáo viên phải đủ với định biên 1,5 giáo viên/lớp. Trong khi đó tại Nghệ An hiện nay, mới chỉ đáp ứng được 1,3 giáo viên/lớp. Suốt nhiều năm qua, nhiều địa phương không được giao chỉ tiêu biên chế giáo viên. Bởi vậy thiếu giáo viên, không thể tổ chức được 2 buổi/ngày, ảnh hưởng đến việc dạy học và tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho trẻ trở thành một vòng luẩn quẩn chưa có lời giải đáp.
Thực trạng này kéo dài dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng của giáo dục tiểu học, chưa kể hàng trăm trường chuẩn quốc gia sẽ nguy cơ "mất chuẩn" vì không đảm bảo được số tiết theo quy định. Được biết, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cũng đã xây dựng 2 dự thảo thay thế Quyết định 1517 nhưng chưa được thông qua.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 (TP Vinh), hiện tại, trường thiếu rất nhiều giáo viên. Học sinh đông, gần 100% bán trú, việc thiếu giáo viên ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy học của nhà trường. Trong khi chờ bố trí đủ biên chế giáo viên để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, các trường tiểu học ở Nghệ An đều có chung nguyện vọng được có cơ chế hợp đồng thêm giáo viên hoặc sớm có hướng dẫn về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.