Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Để giải quyết tình trạng thiếu biên chế, thành phố Sông Công đã phân bổ 474 định mức khoán đến các nhà trường, nhưng đến nay, số giáo viên, cán bộ giáo dục mà thành phố mới thuê khoán chỉ đạt 60%.

Năm học này, thành phố Sông Công còn thiếu hơn 370 biên chế giáo viên ở cả ba cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. Để giải quyết tình trạng thiếu biên chế, thành phố đã phân bổ 474 định mức khoán đến các nhà trường. Nhưng đến nay, số giáo viên, cán bộ giáo dục mà thành phố mới thuê khoán chỉ đạt 60%.

Bà Đỗ Thị Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Việt Đức, TP Sông Công cho hay: "Hiện tại, trường chỉ có 17 đồng chí giáo viên là biên chế, định biên giáo viên trên lớp còn thiếu rất nhiều".

Bà Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỏ Chè, TP Sông Công chia sẻ: "Theo quy định, nhà trường cần 54 biên chế, hiện tại, chúng tôi được phân bổ 36 biên chế, số biên chế còn thiếu được thuê định mức khoán".

Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Quy mô số học sinh, lớp học trên địa bàn tỉnh hằng năm đều tăng dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.

Bên cạnh đó, cơ chế tuyển dụng chưa thực sự tạo được sức hút với giáo viên khiến nhiều địa phương loay hoay với bài toán thuê khoán. Việc bố trí giáo viên dạy thay, dạy thêm giờ mà nhiều địa phương đang thực hiện chỉ là giải pháp trước mắt.

Bà Đoàn Thị Hiền, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ cho biết: "Các nhà trường đều cơ bản thiếu, chúng tôi hỗ trợ nhau để đảm bảo thực hiện tốt chất lượng chăm sóc, giáo dục ở mầm non cũng như chất lượng dạy học ở cấp phổ thông".

Bà Lê Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỏ Chè, TP Sông Công chia sẻ: "Những giáo viên thiếu, chúng tôi sử dụng nguồn biên chế của trường và những giáo viên được thuê định mức khoán sẽ phải dạy tăng giờ, tăng tiết để đảm bảo các hoạt động của nhà trường".

Từ năm 2022 đến năm 2025, ngành giáo dục Thái Nguyên phải thực hiện tinh giản 10% biên chế so với năm 2021 tương ứng với 470 biên chế. Mặt khác, quy mô số học sinh, lớp học trên địa bàn tỉnh hằng năm đều tăng dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Do đó, việc tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đối với hợp đồng thuê khoán của các trường mầm non, phổ thông công lập là thực sự cần thiết. Mức hỗ trợ đủ để đảm bảo cho cuộc sống là niềm mong mỏi của các giáo viên hợp đồng thuê khoán.

Giáo viên Lường Phương Thảo, Trường Mầm non số 1 Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Bây giờ, chuyển sang định biên, tôi phải kiếm thêm việc ở bên ngoài hoặc sống phụ thuộc vào gia đình, tôi rất yêu nghề nên nhiều khi cũng nản. Tôi mong muốn có những chính sách phù hợp hơn để tiếp tục theo nghề".

Bà Đào Thị Định, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hùng Sơn 1, huyện Đại Từ cho biết: "Tôi rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ, quan tâm hơn đến chế độ chính sách tiền lương cho các thầy cô giáo, có thể tăng lương và hỗ trợ các khoản như đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc".

Theo Dự thảo Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2022 được trình tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV, mỗi định mức khoán mầm non là 4,9 triệu đồng/tháng, 1 định mức khoán cấp tiểu học là 5.5 triệu đồng/tháng, cấp THCS và THPT là 5.3 triệu đồng/tháng, thời gian hưởng là 10 tháng/năm. Trong bối cảnh ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những chính sách cơ chế hỗ trợ thiết thực khi được thông qua sẽ là động lực giúp các giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, từ đó, tình trạng thiếu giáo viên, quá tải trường lớp sẽ sớm được khắc phục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của địa phương./.