Thị trường châu Âu năm 2017 đầy chông gai với các công ty Mỹ
Châu Âu, với 500 triệu người tiêu dùng, được các công ty công nghệ Mỹ coi là một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất. Và ở các thành phố từ Lisbon đến Ljubljana, việc xem video trên YouTube, mua hàng từ Amazon và nhắn tin qua Twitter rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách trong Liên minh châu Âu (EU) lại nằm trong số những người phê phán nhiều nhất cách thức các công ty ở Thung lũng Silicon chiếm lĩnh phần lớn thế giới kỹ thuật số. Việc nộp thuế ở nước sở tại của các công ty này và những dữ liệu về thông tin cá nhân mà họ sở hữu nằm trong các vấn đề bị chỉ trích nhiều nhất.
Tâm điểm của năm 2016 bao gồm: Apple phải trả cho chính phủ Ireland 13 tỷ Euro tiền thuế truy thu, tương đương khoảng 13,7 tỷ USD; Google bị cáo buộc ưu tiên các dịch vụ kỹ thuật số của mình; và một số dịch vụ đặt xe của Uber đã bị cấm hoạt động tại châu Âu. Tuy nhiên, các công ty này đều không thừa nhận các hành vi trái pháp luật.
Các chuyên gia nhận định tình hình 12 tháng tới sẽ theo chiều hướng xấu hơn. Nhiều cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2016 sẽ kết thúc trong năm 2017. Các công ty ở Thung lũng Silicon đứng trước nguy cơ buộc phải thay đổi phương thức hoạt động không chỉ ở châu Âu mà còn ở những khu vực khác.
Tương lai nào cho các công ty công nghệ Mỹ năm 2017?
Google đang đối mặt với ba cáo buộc chống độc quyền ở châu Âu liên quan đến một số dịch vụ tìm kiếm và hệ điều hành Android.
Cáo buộc đầu tiên liên quan đến việc Google bị cho là không công bằng trong xúc tiến bán các sản phẩm mua sắm của mình. Phán quyết trong thời gian tới có thể dẫn đến một khoản tiền phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu của hãng, tương đương khoảng 7,5 tỷ USD.
Google đã nhiều lần phủ nhận việc ưu tiên các dịch vụ riêng của mình, và công ty đang chi gần nửa tỷ USD nhằm “mua chuộc” người dân châu Âu. Song, việc kháng cáo có thể mất nhiều năm.
Thuế cũng là một trong những rắc rối của Google ở châu Âu. Trong năm nay, các quan chức Pháp nhiều khả năng sẽ quyết định liệu công ty có phải trả hơn 1 tỷ USD tiền thuế truy thu cho các hoạt động của công ty hay không.
Google cũng đã kháng cáo một quyết định của Pháp, theo đó công ty phải áp dụng “Quyền được quên” trong mọi lĩnh vực hoạt động, kể cả ở Mỹ. Hiện nay, quyền này cho phép người có kết nối đến Châu Âu yêu cầu công cụ tìm kiếm loại bỏ các đường dẫn đến nội dung trực tuyến của hãng sở hữu công cụ tìm kiếm đó. Phiên phúc thẩm sẽ diễn ra trong năm 2017.
Apple
Việc kháng cáo khoản phạt thuế 13 tỷ Euro sẽ mở đầu chương trình nghị sự của Apple trong năm 2017. Các nhà lập pháp Ireland cũng phản đối khoản thuế, họ cho rằng Ủy ban châu Âu - cánh tay của Liên minh châu Âu - đã vượt quá thẩm quyền của mình và Apple đã không nhận được ưu đãi thuế.
Cả hai bản kháng cáo dự kiến sẽ được xét xử sớm nhất là vào cuối năm 2017 bởi những tòa án hàng đầu châu Âu.
Chính trị nhiều khả năng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới những vụ kiện này. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề nghị các công ty Mỹ với lượng tiền mặt đáng kể ở nước ngoài - trong đó có Apple - có thể chuyển tiền về nước với một mức thuế thấp. Nếu ông Trump quyết tâm thực hiện kế hoạch này, việc quyết định cách đánh thuế có thể khiến các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu “đau đầu”.
Ông lớn trong lĩnh vực mạng xã hội đang trở thành mục tiêu cho các quan chức châu Âu vì ảnh hưởng ngày càng lớn của Facebook trong nền kinh tế khu vực.
Trong năm 2017, sẽ có kết quả về những cuộc điều tra ở Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan nhắm vào cách Facebook theo dõi những người dùng và không dùng mạng này. Công ty đã thắng một vụ kiện tương tự tại Bỉ. Facebook có thời gian đến cuối tháng 1 để phản bác lại những cáo buộc gian dối trong vụ mua lại ứng dụng nhắn tin qua internet WhatsApp trị giá 19 tỷ USD.
CEO Facebook |
Giữa những lo ngại rằng Facebook đã không kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội trong suốt cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, công ty lại phải đối mặt với những vấn đề tương tự tại châu Âu. Một số quan chức tại đây khẳng định Facebook phải chịu trách nhiệm cho những thông tin sai sự thật và những phát ngôn cực đoan đang lan truyền.
Trong tháng 3, một lực lượng đặc nhiệm của Đức sẽ có một báo cáo về cách Facebook và các công ty truyền thông xã hội khác phản ứng trước những vấn đề này. Nếu các nhà lập pháp cho rằng các công ty này đã không làm hết khả năng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Uber
Sau khi một số hiệp hội taxi và các nhà hoạch định chính sách buộc tội Uber coi thường luật lệ nước sở tại nơi họ hoạt động và cạnh tranh không lành mạnh, công ty này đã trải qua một năm đấu tranh vất vả để được hoạt động tự do ở châu Âu.
Vào tháng 4, Tòa án Công lý châu Âu - tòa án tối cao của khu vực - dự kiến sẽ xác định Uber là một dịch vụ vận chuyển hay một nền tảng kỹ thuật số - một quyết định sẽ để lại những hậu quả khó lường.
Nếu bị xem là một dịch vụ vận chuyển, Uber sẽ phải tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt về taxi của châu Âu và sẽ không thể cung cấp một số dịch vụ chi phí thấp. Nếu tòa án quy định Uber là một nền tảng kỹ thuật số, công ty sẽ có cơ hội lớn hơn để phát triển mạnh mẽ trong khu vực, một trong những thị trường quốc tế quan trọng.
Amazon
“Gã khổng lồ” thương mại điện tử đang chờ kết quả của cuộc điều tra kéo dài nhằm xác định có hay không việc công ty nhận được ưu đãi thuế “đặc biệt” từ các nhà chức trách Luxembourg, nơi công ty đặt trụ sở châu Âu của mình.
Amazon phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định việc công ty luôn tuân thủ các quy định về thuế ở nơi mình hoạt động. Kết quả sẽ được đưa ra vào đầu mùa hè, và được dự kiến sẽ giống với các vụ kiện thuế đối với các công ty Mỹ như McDonald và Starbucks.
Nhằm giành được chiến thắng trong vụ kiện, Amazon đã công bố vào năm 2015 rằng công ty sẽ bắt đầu trả thuế ở một số nước châu Âu, nơi họ hoạt động mạnh, thay vì chuyển hầu hết doanh thu bán hàng qua Luxembourg./.