Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của các đại biểu tại 71 điểm cầu trên toàn quốc. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, đơn vị toàn quân...

Huy động doanh nghiệp tham gia hiệu quả

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Năm 2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh ĐVCN, khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về chuẩn bị chiến tranh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng; chủ động tổ chức chuẩn bị chu đáo, toàn diện cho chiến tranh ngay từ thời bình, sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để bảo đảm cho đất nước chuyển từ thời bình sang thời chiến một cách chủ động, hiệu quả. Pháp lệnh là cơ sở pháp lý để Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ những vấn đề về huy động công nghiệp dân sinh cho quốc phòng, phát triển công nghiệp đất nước theo hướng lưỡng dụng; đồng thời cũng là nền tảng pháp lý vững chắc để triển khai nhiệm vụ ĐVCN, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, huy động năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) và LLVT sản xuất trang bị trong quân đội.

them co so cho xay dung nen cong nghiep quoc phong
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Thượng tướng Phan Văn Giang trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.

Thực hiện Pháp lệnh ĐVCN, Bộ Quốc phòng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức khảo sát, lựa chọn hàng trăm DNCN có khả năng sản xuất, sữa chữa trang bị cho quân đội, giúp Bộ Quốc phòng có cơ sở đánh giá tiềm lực nền công nghiệp cũng như khả năng huy động năng lực của DNCN thuộc diện huy động ĐVCN thực hiện nhiệm vụ quốc phòng khi có chiến tranh.

Tại hội nghị, Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó tổng Tham mưu trưởng cho biết: Trên từng hướng, từng khu vực, từng địa phương đã tiến hành đầu tư, xây dựng các dây chuyền ĐVCN sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị (VKTB) cho quân đội. Số lượng các dây chuyền được xây dựng mới tăng; trình độ sản xuất của các dây chuyền ngày càng được hoàn thiện; chủng loại sản phẩm ban đầu còn ít, công nghệ chế tạo đơn giản, quá trình tiếp theo ngày càng đa dạng, có yêu cầu công nghệ cao hơn.

Nhờ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh trong triển khai Pháp lệnh ĐVCN, Quân khu 1 đã lựa chọn được các DNCN có khả năng sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị, từ đó hoàn chỉnh dây chuyền sửa chữa, sản xuất ở các doanh nghiệp đó; đồng thời tăng cường công tác quản lý, sẵn sàng cho ĐVCN.

Theo đồng chí Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đến nay đã có 8 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ ĐVCN, chủ yếu ở các lĩnh vực: Cơ khí, luyện kim, hóa chất. Các dây chuyền hiện đang vận hành hiệu quả. Một số sản phẩm do các đơn vị sản xuất phục vụ cho ĐVCN đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu đạt kết quả tốt.

Các ý kiến tham luận tại hội nghị cũng khẳng định, quá trình thực hiện Pháp lệnh ĐVCN, các địa phương đã chủ động kết hợp nội dung ĐVCN khi diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố với nhiều hình thức, như: Tổ chức diễn tập thực hành ĐVCN với quy mô lớn bao gồm cả xây dựng văn kiện và thực hành di duyển DNCN; tổ chức bảo đảm vật tư, tài chính; thực hành sản xuất, sửa chữa trang bị tại địa điểm di chuyển khi có chiến tranh, như Hải Phòng, Ninh Bình; sử dụng VKTB sản xuất trên dây chuyền ĐVCN bắn huấn luyện, diễn tập hoặc trang bị cho các lực lượng trong diễn tập khu vực phòng thủ địa phương, như các quân khu: 1, 5, 9...

Cần xây dựng Luật Động viên công nghiệp

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác quán triệt, triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện pháp lệnh, qua đó đạt được những kết quả quan trọng. Đồng chí cũng nêu lên những định hướng lớn để pháp lệnh được thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới và nhấn mạnh: Cần huy động hiệu quả hơn nữa các thành phần kinh tế, nhằm biến tiềm lực của các thành phần kinh tế thành tiềm năng khai thác cho công nghiệp quốc phòng. Bộ Quốc phòng cần tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, quy hoạch, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm có công nghệ tiên tiến, tăng tính lưỡng dụng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với việc huy động các thành phần kinh tế thuộc diện huy động ĐVCN...

Các ý kiến tại hội nghị cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện pháp lệnh như: Pháp lệnh chưa kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương, quan điểm của Đảng. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp lệnh chưa thống nhất, chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành...

Một trong những nội dung được các đại biểu tham dự hội nghị đề xuất là cần nâng Pháp lệnh ĐVCN thành Luật ĐVCN. Thiếu tướng Trần Hồng Minh, Tư lệnh Quân khu 1 và đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đều cho rằng, sự điều chỉnh như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý để các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, DNCN và nhân dân tổ chức thực hiện thuận lợi, có chất lượng cao, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thiếu tướng Trần Hồng Minh cũng đề nghị cần bổ sung, điều chỉnh đối tượng, phạm vi lĩnh vực ngành nghề cho nhiệm vụ ĐVCN; chế độ, chính sách đối với người lao động và gia đình người lao động tham gia vào dây chuyền ĐVCN; cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, thu hút, khuyến khích, ưu tiên các DNCN, cá nhân tham gia vào dây chuyền ĐVCN...

Các tham luận trình bày trực tiếp cũng như gửi về hội nghị đều nhấn mạnh: Cần tiếp tục đánh giá chính xác, quản lý chặt chẽ tiềm lực công nghiệp, khả năng huy động các DNCN tham gia ĐVCN bảo đảm trang bị cho nền quốc phòng khi có chiến tranh trên từng địa phương, từng vùng, từng hướng; chú trọng bảo dưỡng, nâng cấp, khai thác hiệu quả các dây chuyền đã được đầu tư; hoàn thiện công nghệ sản xuất, sửa chữa, nâng cao chất lượng, độ tin cậy, ổn định của sản phẩm, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình sản xuất; tận dụng thành tựu khoa học công nghệ, từng bước tiếp cận và nâng cao năng lực công nghệ sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng địa bàn, khai thác thế mạnh, khả năng của từng vùng, từng địa phương, từng DNCN, để triển khai thực hiện nhiệm vụ ĐVCN phù hợp với chiến lược trang bị của LLVT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Tại hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh ĐVCN, Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng bằng khen 9 tập thể, 11 cá nhân. Tại hội nghị, Bộ Quốc phòng công bố quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 59 tập thể, 82 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện ĐVCN./.