Thế cờ tàn ở V-League và những kết quả đáng ngờ
Tình huống chuyền bóng thẳng vào chân tiền đạo Dyachenko của thủ môn Thanh Thắng ở cuối hiệp 1 trận Than Quảng Ninh – Thanh Hoá, thuộc vòng 22 V-League quả là hiếm thấy.
Pha bóng đấy xảy ra trong bối cảnh mà thủ thành của đội bóng xứ Thanh không hề bị gây sức ép, lại có khá nhiều lựa chọn để đưa bóng lên phía trước (2 biên đều có cầu thủ Thanh Hoá đứng sẵn để chờ bóng), nhưng Thanh Thắng lại gây bất ngờ khi chuyền như “mớm” bóng vào đúng tầm dứt điểm của tiền đạo bên phía Than Quảng Ninh.
Không dễ trả lời câu hỏi có hay không có bất thường trong tình huống này? Nhưng một khi bản thân đội bóng chủ quản của Thanh Thắng giờ còn không tin thủ thành này, qua cách họ muốn cơ quan chức năng vào cuộc, thì người hâm mộ tin sao nổi?
Các cầu thủ Thanh Hoá liên tục mắc sai lầm khó hiểu trong những trận cầu có ý nghĩa cạnh tranh ngôi đầu bảng |
Người hâm mộ không tin, đấy càng là lý do để họ không còn tha thiết đến sân xem V-League nữa, đặc biệt là ở giai đoạn cuối mỗi mùa bóng.
Sai lầm của thủ môn Thanh Thắng, lỗi liên tục của các cầu thủ trong hành phòng ngự của đội FLC Thanh Hoá, có trùng hợp không khi chúng đồng loạt đến ở các trận đấu then chốt nhất của mùa giải, hoặc những trận mang tính chất phân định ngôi đầu: Pha đánh đầu phản lưới nhà của Đinh Tiến Thành trận gặp CLB Hà Nội ở lượt đi, tình huống phạm lỗi thô thiển của trung vệ Van Bakel trước Anh Khoa ở chính trận gặp Than Quảng Ninh vừa rồi, khiến Thanh Hoá phải chịu phạt đền?
Ở thời điểm và trong những trận đấu không cho phép sai lầm, các cầu thủ FLC Thanh Hoá lại liên tục sai lầm, lặp đi lặp đi, thử hỏi niềm tin của người hâm mộ nói chung có còn đất để tồn tại?
Cách sân Cẩm Phả hàng ngàn km, một Sài Gòn FC đang bừng bừng khí thế ở nhóm trên bỗng dưng bị Long An thủ hoà ở vòng 22, trong một trận cầu mà hàng thủ của đội bóng thành phố đá như những người mới tập chơi bóng chuyên nghiệp.
Những lỗi tương tự cũng xuất hiện trong trận Cần Thơ – Quảng Nam ở vòng 21 cách nay 1 tuần. Đấy là trận đấu mà đội bóng đất Tây Đô hầu như không theo sát các cầu thủ tấn công của Quảng Nam, chỉ mỗi ngoại binh Nsi ở tuyến trên có vẻ như là thi đấu tích cực nhất. Phần còn lại, các cầu thủ Cần Thơ mắc hết lỗi này đến lỗi khác, từ lỗi kỹ thuật đến lỗi vị trí.
V-League ở nửa sau mỗi mùa giải thường xuất hiện những trận cầu và những kết quả khó lý giải như thế. Chẳng trách V-League ở các nửa sau của nhiều mùa giải gần đây cũng là khoảng thời gian mà lượng khán giả sụt giảm nghiêm trọng.
Đặc điểm của người xem nằm ở chỗ họ không cần tranh luận nhiều về câu hỏi muôn thưở: “Chứng cứ đâu?”, họ cũng không cần quan tâm đến các cầu thủ và nhiều đội bóng nói gì xung quanh những kết quả nhạy cảm, những tình huống mắc lỗi ngớ ngẩn. Người hâm mộ đơn giản chỉ cảm nhận rằng nếu V-League là một giải đấu thiếu sòng phẳng và có chỉ số niềm tin thấp, họ sẽ phản ứng bằng cách không cần phải xem, không nhất thiết phải đến sân!
Kim Điền