Thanh long Bình Thuận tìm hướng không lệ thuộc thị trường Trung Quốc
Bình Thuận là địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất nước. Hơn 10 năm qua, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc vốn thường bấp bênh về giá và khả năng tiêu thụ. Tìm giải pháp đa dạng thị trường xuất khẩu thanh long, hạn chế tác động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc là vấn đề được ngành công thương tỉnh Bình Thuận trăn trở.
Cũng như nhiều nông dân trồng thanh long khác, bà Nguyễn Thị Lộc (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) rất lo lắng về thị trường tiêu thụ. |
Hiện nay, thanh long Bình Thuận đang ở mùa chong đèn nghịch vụ. Giá thu mua thanh long đạt chuẩn xuất khẩu trong những ngày qua dao động từ 11.000-12.000 đồng/kg. Gia đình bà Nguyễn Thị Lộc ở thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam có gần 800 trụ thanh long đang chín rộ. 3 năm trở về trước, giá thanh long chong đèn nghịch vụ có giá rất cao, có khi lên đến 22.000-23.000 đồng/kg nhưng thời gian gần đây giá đã không còn ổn định.
“Thời gian gần đây người trồng thanh long đang lo ngại giá thấp thu nhập sẽ kém đi. Nếu tiêu thụ thanh long cứ phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì người dân rất lo ngại, sợ rằng giá bán thanh long sẽ ngày càng giảm thấp”, bà Lộc bày tỏ.
Thanh long là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp cho nhiều nông dân ở Bình Thuận, nhất là hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc thoát nghèo. Tuy nhiên, thị trường thanh long đang ẩn chứa nhiều rủi ro do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 26.500 ha thanh long, sản lượng đạt 500.000 tấn/năm. Trong đó, chỉ 15-18% tiêu thụ trong nước, còn lại xuất khẩu. Xuất khẩu chính ngạch chỉ chiếm từ 2-3%, trong khi phần lớn còn lại được xuất qua Trung Quốc theo đường buôn bán biên mậu.
Do vậy, chỉ cần một chút biến động ở thị trường này, thì ngay lập tức giá cả thu mua sẽ bị tác động. Đó là chưa kể đến việc thương nhân Trung Quốc đến tỉnh Bình Thuận móc nối với doanh nghiệp địa phương thao túng việc mua bán nông sản này.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận khẳng định, trước mắt khi chưa tìm được thị trường xuất khẩu mới, thanh long Bình Thuận vẫn phải bán cho thị trường Trung Quốc. Nếu không bán cho thị trường Trung Quốc, sản lượng thanh long sẽ dư thừa tạo ra khủng hoảng, càng làm cho người nông dân khó khăn.
Nhận thấy được điều đó, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, cùng với nâng cao chất lượng thanh long thì mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc. Tuy nhiên, với chủ trương đa dạng hóa thị trường, mở rộng các thị trường theo hướng không lệ thuộc vào một thị trường, các doanh nghiệp cũng như Sở Công Thương trong thời gian vừa qua hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thêm các thị trường khác.
Đến thời điểm này, thanh long tỉnh Bình Thuận đã được xuất vào 14 thị trường, trong đó chủ lực là châu Á (chiếm 84%), châu Âu (14%), châu Mỹ (2%). Năm 2015, các doanh nghiệp đã xuất khẩu thanh long vào Ấn Độ, Myanmar. Năm nay, phát triển thêm thị trường tại Australia, Hàn Quốc và Cộng hòa Séc. Mặc dù chậm, nhưng điều này đã cho thấy sự nỗ lực các các doanh nghiệp, hiệp hội, sở ngành địa phương trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá quả thanh long là cần thiết để mở rộng thêm thị trường. |
Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ thanh long được tổ chức tại thành phố Phan Thiết cuối tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, việc mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long là hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay. Xúc tiến thương mại là một trong những hoạt động cần thiết để thanh long Bình Thuận có thêm cơ hội vươn xa.
“Tại các hội nghị xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm rất đông. Doanh nghiệp Trung Quốc, Pháp cũng như các doanh nghiệp của châu Âu cũng về rất nhiều. Các nhà sản xuất và các nhà phân phối cũng được gặp gỡ nhau trao đổi, cùng rút kinh nghiệm, hợp tác, tìm mọi cách để mở rộng thị trường xuất khẩu hơn là hướng rất tốt”, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nêu rõ.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng vừa ban hành kế hoạch và bố trí kinh phí triển khai các hoạt động mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đang tích cực làm việc với Hiệp hội Thanh long, các doanh nghiệp kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh để xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến tiêu thụ thanh long cả trong và ngoài nước./.