Thái Nguyên: Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng bền vững
Cụm công nghiệp Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên.

Đúng theo cam kết và tiến độ triển khai, với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã có 3 cụm công nghiệp gồm: Tân Phú 1, Tân Phú 2 (thành phố Phổ Yên) và Tân Dương (huyện Định Hóa) được khởi công và đang được chủ đầu tư tập trung triển khai xây dựng hạ tầng, chuẩn bị đón các nhà đầu tư thứ cấp.

Bà Nguyễn Thị Mai Lan, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn cho hay: "Cùng với các hoạt động đầu tư về hạ tầng đối với các dự án tại các cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2, Lương Sơn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của Saigontel. Chúng tôi cũng tập trung vào các hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các dự án này thông qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư tại Đài Loan, Hà Nội và sắp tới là Hàn Quốc. Những hoạt động xúc tiến đầu tư này mang tính chất thúc đẩy cơ hội đầu tư đến nhanh hơn, gần hơn, hiệu quả hơn, cho thấy dấu hiệu tích cực vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam nói chung cũng như tại các dự án của Saigontel tại Thái Nguyên nói riêng".

Kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp là một trong những ưu tiên để Thái Nguyên nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, công tác thu hút đầu tư. Theo đó, định hướng phát triển các cụm công nghiệp trong giai đoạn hiện nay là phát triển các cụm công nghiệp theo chiều sâu; đồng thời, dịch chuyển quy hoạch các cụm công nghiệp từ vùng khó khăn đến các địa phương có điều kiện hạ tầng và tiềm năng thu hút đầu tư tốt hơn.

Trong giai đoạn 2021-2022, tỉnh Thái Nguyên đã bổ sung 5 cụm công nghiệp mới nằm trên địa bàn huyện Phú Bình và TP Phổ Yên và đưa ra khỏi quy hoạch 5 cụm công nghiệp khó thu hút đầu tư, cũng như giảm diện tích quy hoạch đối với 3 cụm công nghiệp ở khu vực không thuận lợi về giao thông. Đối với các cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng, đều được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho hay: "TNG sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng vào cụm công nghiệp ở Sơn Cẩm. Hiện nay, TNG vẫn đang tập trung vào để lấy đất đó đầu tư cho nhà máy, đầu tư hạ tầng nước và xử lý nước thải, sau đó mới thương mại hóa".

Thái Nguyên: Phát triển các cụm công nghiệp theo hướng bền vững
Theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên được quy hoạch 41 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 2.067ha.

Theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên được quy hoạch 41 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 2.067ha. Trong đó, 22 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, với 65 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9.400 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Chúng ta phải quản lý tốt các cụm công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phải tham mưu lựa chọn các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là những chủ đầu tư có tiềm lực, năng lực về tài chính và phải có tâm huyết đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Chúng ta sẽ cùng với chủ đầu tư hạ tầng lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp và theo hướng ưu tiên các sản phẩm về công nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, có giá trị tăng trưởng lớn và thân thiện với môi trường".

Để thu hút doanh nghiệp vào cụm công nghiệp, Thái Nguyên cam kết tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ giai đoạn đầu thực hiện dự án. Đồng thời, vận dụng chế độ, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và cơ chế đặc thù của địa phương để có những ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tạo động lực, đột phá trong phát triển công nghiệp. Tỉnh cũng sẽ ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào đầu tư tại các cụm công nghiệp; từ đó, góp phần chuyên biệt hóa các khu vực sản xuất theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và phát triển bền vững./.