thai nguyen dam bao an toan tuyet doi dap chinh ho nui coc
Đập chính Hồ Núi Cốc - công trình thủy nông lớn và quan trọng của tỉnh

Đầu năm 2017, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên phát hiện lượng nước thấm qua đập chính tăng lên, có nguy cơ gây nguy hiểm nên đã báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh để xin ý kiến xử lý. Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ, nhận thấy việc thấm ở đập chính là thấm cục bộ, xảy ra ở từng điểm và từng lớp đất cụ thể trên mái hạ lưu đập. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngay Ngành Nông nghiệp tỉnh cùng đơn vị quản lý công trình có những biện pháp để xác định chính xác hiện trạng công trình, có phương án cấp bách và lâu dài đảm bảo tuyệt đối an toàn Đập chính Hồ Núi Cốc.

Chuyên gia Ngô Thị Thái, Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam cho biết: "Về vấn đề an toàn của đập, hiện nay đập vẫn làm việc bình thường và chưa có gì đáng ngại lớn. Tuy nhiên, để xử lý khẩn cấp trong mùa mưa lũ thì chúng ta nên tiến hành ngay thời điểm này, trước mắt là xử lý khoan cột và chống thấm toàn chiều dài hệ thống đập, nhất là đoạn lòng sông và xử lý đống đá tiêu nước hạ lưu".

Ông Lê Nho Thịnh, Giám đốc Công ty Tư vấn 11 - Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam cho biết thêm: "Các chuyên gia chúng tôi nhận định, việc xử lý khẩn cấp này là hoàn toàn nằm trong chủ động của công nghệ kỹ thuật thi công của Việt Nam. Trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ cố gắng phấn đấu xử lý đảm bảo an toàn đập trước mùa mưa lũ năm 2017".

thai nguyen dam bao an toan tuyet doi dap chinh ho nui coc
Việc xử lý khẩn cấp các hiện tượng thấm nước tại đập chính Hồ Núi Cốc hoàn toàn nằm trong chủ động của công nghệ kỹ thuật thi công của Việt Nam

Hiện nay, mực nước trong hồ đang ở mức thấp, trên 40,05m. Theo quy trình vận hành đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, mực nước lớn nhất trong hồ tại thời điểm ngày 1/7 có thể lưu trữ là +42,7m, ngày 1/8 có thể trữ là +44,0m và ngày 1/9 có thể trữ là +46,2m. Để công trình Hồ Núi Cốc vận hành an toàn có thể giảm một phần mực nước trong hồ tại các thời điểm trên mà vẫn đảm bảo yêu cầu vận hành khai thác. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp về thời tiết có thể xuất hiện khả năng gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc vận hành, khai thác và an toàn của công trình. Công ty chủ quản đã có những biện pháp đề phòng cao nhất song song với việc xử lý an toàn cho thân đập.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Về phía Công ty chúng tôi đã phân công cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm, thâm niên công tác chuyên quản lý đập đất hồ để thường xuyên theo dõi, quan trắc 24/24h công trình, đặc biệt ở phần thấm và đập chính và có những đánh giá báo cáo kịp thời về phía lãnh đạo Công ty để trên cơ sở số liệu quan trắc ấy, chúng tôi sẽ có những quyết sách đưa ra biện pháp quản lý, quyết định thời điểm trữ nước và biện pháp công trình nếu có khi hiện tượng thấm phát triển".

Hiện nay, qua việc khảo sát, xác định hiện trạng, đơn vị chủ quản - Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh cho thực hiện Dự án cấp bách sửa chữa thân đập chính Hồ Núi Cốc. Các khâu thực hiện Dự án như: Phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế kỹ thuật, phê duyệt Dự án đầu tư...sẽ phấn đấu xong trước ngày 30/6. Dự kiến, sau khi hoàn thiện các thủ tục, từ ngày 1/7, đơn vị thi công sẽ tiến hành sửa chữa, khoan thí nghiệm và khoan phụt thi công vữa chống thấm, hoàn thành vào ngày 25/7. Đối với các hạng mục còn lại như: sửa chữa thấm hạ lưu, đống đá tiêu nước, rãnh thoát nước...sẽ hoàn thành trước ngày 30/8 tới, tức là trước thời điểm mùa mưa lũ diễn ra.

thai nguyen dam bao an toan tuyet doi dap chinh ho nui coc
Các giải pháp xử lý ngay việc thấm ở thân đập Hồ Núi Cốc đang được UBND tỉnh Thái Nguyên quyết liệt chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nhằm đảm bảo an toàn đập trước mùa mưa lũ năm 2017

Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: "Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang ban hành quyết định khẩn cấp về việc có giải pháp xử lý ngay việc thấm ở thân đập Hồ Núi Cốc, đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp về quản lý Nhà nước trong việc quản lý các đập, đặc biệt là đập chính Hồ Núi Cốc, giao cho Chi cục Thủy lợi cũng như Công ty Khai thác thủy nông có ngay giải pháp thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu Việt Nam về để khảo sát thực trạng ngấm của Hồi Núi Cốc và đưa ra các giải pháp để xử lý thực trạng này; thời gian xử lý là 45 ngày và thực hiện việc xử lý xong trước khi tích nước mùa lũ".

Công trình Hồ Núi Cốc có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên và một số địa phương vùng tiếp giáp. Vì vậy, để đảm bảo an toàn công trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhiều năm tới, tỉnh Thái Nguyên cũng đề xuất Trung ương cho thực hiện Dự án nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn công trình Hồ Núi Cốc. Theo đó, sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản, tạo cảnh quan thiên nhiên để phát triển vùng du lịch trọng điểm Quốc gia./.