Tăng tuổi nghỉ hưu: Nên để người lao động lựa chọn
Bộ LĐTB&XH vừa có Tờ trình Chính phủ dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012. Trong đó, nội dung được dư luận rất quan tâm đó là “tăng tuổi nghỉ hưu”.
Theo Bộ LĐTB&XH, do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều 187 để xin ý kiến: Phương án 1 là giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.
Cô Liên Hương, đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn tham gia giảng dạy tiếng Hàn cho lao động. Theo cô, nếu còn sức khỏe cô vẫn làm việc. |
Về 2 phương án này, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của cả thế giới và nên thực hiện, nếu không sẽ lãng phí một phần nguồn lực cũng như ảnh hưởng đến quỹ Bảo hiểm xã hội.
Xu hướng tuổi thọ tăng lên, sức khỏe của người lao động cũng tốt hơn. Nhiều người ở độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay vẫn có khả năng cống hiến, làm việc để đóng góp cho xã hội, đặc biệt cho quỹ Bảo hiểm xã hội.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, tuy nhiên nên linh hoạt, phù hợp với từng lĩnh vực. Theo tôi nên có phương án thứ 3 đó là trao quyền lựa chọn cho người lao động”.
Ông Vũ Tiến Lộc |
Chủ tịch VCCI phân tích: Đối với các lĩnh vực hành chính, lao động trí óc, nên có cơ chế tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cũng đặt ra cho người lao động quyền lựa chọn nghỉ hưu ở một lứa tuổi nào đó. Còn đối với lĩnh vực sản xuất, do người lao động phải làm việc rất vất vả, sức lao động suy giảm nhanh, khả năng lao động của họ không thể kéo dài được, thì nên cho người lao động được quyền được nghỉ theo đúng quy định như hiện nay.
Có nghĩa chúng ta nên có phương thức linh hoạt, tùy theo lĩnh vực và người lao động cần được trao quyền như vậy. Ví dụ nam giới khi 60 tuổi, nếu họ không muốn nghỉ hưu mà muốn làm đến 62 tuổi, hay nữ giới có nguyện vọng làm việc đến 58 hoặc 60 tuổi thì nên có cơ chế tạo điều kiện cho lao động làm việc.
Thực tế cho thấy, nhiều người mong muốn được nghỉ đúng tuổi, không muốn làm thêm, mặc dù là lao động chất lượng cao; hoặc lao động trong những lĩnh vực vất vả, thì chẳng ai muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu. Do đó, “phương án 3” này vừa đảm bảo được lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người lao động.
“Tăng tuổi nghỉ hưu cần linh hoạt và theo từng bước. Người lao động có quyền nghỉ ở một lứa tuổi nào đó, nhưng cũng có quyền được làm thêm theo quy định của Nhà nước. Đây là phương án linh hoạt hơn những phương án “cứng” mà Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ và theo tôi nên áp dụng” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho rằng: “Chúng ta cần quy định mức tuổi để người lao động lựa chọn quyền được nghỉ hay tiếp tục làm việc. Nếu cứng nhắc ở một độ tuổi thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động”./.
Tăng giờ làm thêm là hợp lý Về đề xuất của Bộ LĐTB&XH tăng thời gian làm thêm lên 600 giờ/năm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Thời gian qua, chúng ta quy định quá cứng nhắc thời gian làm thêm giờ của các doanh nghiệp và có ý định "cào bằng" quy định này. Nhưng trên thực tế, các ngành nghề khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau về hợp đồng, cũng như đơn đặt hàng trong bối cảnh công nghệ thay đổi hết sức nhanh chóng. Cho nên việc ra những quy định linh hoạt hơn trong chế định làm thêm là yêu cầu quan trọng và hợp lý, tùy theo yêu cầu của ngành nghề, đặc biệt có sự đồng thuận, vui vẻ giữa giới chủ và người lao động. Các nước có trình độ phát triển như Nhật Bản cũng đưa ra những quy định rất linh hoạt trong việc này. |