Tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ BHXH là thiếu cơ sở?
Thời gian qua, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu luôn được dư luận quan tâm và đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trong lần sửa đổi Luật Lao động lần này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tiếp tục đề cập về việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu.
Đáng chú ý, trong đó, Bộ có đề xuất một phương án là tăng độ tuổi nghỉ hưu của nữ lên thành 60 tuổi và của nam lên 62 tuổi. Lộ trình thực hiện bắt đầu thực hiện từ năm 2021.
Ảnh minh họa: KT |
Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định như hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn. Hơn nữa, tuổi thọ trung bình đang được tăng cao, thời gian nghỉ hưu dài, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chuyển sang thời kỳ dân số già, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt.
Việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động, góp phần tận dụng được nguồn nhân lực cao tuổi nhưng có trình độ, kinh nghiệm trong bối cảnh sức khỏe người lao động ngày càng cải thiện. Do đó, phương án được tính đến là đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu đối với cả lao động nam và lao động nữ.
Tuy nhiên theo ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, việc xác định tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam phải đảm bảo các vấn đề thực tiễn, lấy lý do vì lo vỡ quỹ BHXH là thiếu cơ sở, không chắc chắn. “Vấn đề vỡ quỹ hay không, không nằm ở chỗ tăng tuổi nghỉ hưu mà nằm ở chính chế độ chính sách hưu trí hiện hành. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu chỉ giải quyết được 10% vấn đề ảnh hưởng đến quỹ, còn lại 90% phụ thuộc vào chính sách”, ông Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng chế độ hưu trí hiện nay của ta đang quá lạc hậu, vẫn trong tình trạng bao cấp. “Chúng ta tránh được bao cấp của nhà nước thì lại rơi vào tình trạng người sau bao cấp người trước để hưởng lương hưu. Trong trường hợp vỡ quỹ BHXH thì việc cải cách chế định hưu trí hiện nay mới thực sự quan trọng”.
Song ông Nhưỡng cũng cho rằng, việc nâng độ tuổi nghỉ hưu là rất cần thiết trong bối cảnh tuổi thọ bình quân của người Việt đang tăng cao, tầm vóc, sức khỏe của người Việt đang được cải thiện.
“Chúng ta quy định độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 tuổi, nam 60 tuổi. Tuy nhiên, ở độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam vẫn còn khá nhiều sức khỏe và có thể cống hiến, nhiều người vẫn còn có thể làm việc. Làm việc không chỉ là vấn đề kiếm sống, mà còn là cống hiến, làm tấm gương cho các thế hệ con cháu, tận dụng kinh nghiệm quý báu đã tích lũy nhiều năm. Việc này giúp cho những người ở tuổi cao sống được minh mẫn hơn, khỏe mạnh hơn nhờ việc lao động. Điều đó có nghĩa là thông qua việc kéo dài tuổi làm việc, còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người về hưu”, ông Nhưỡng phân tích.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng việc để những người có trình độ cao như các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học, chính trị gia có tầm về hưu khi còn khả năng làm việc tốt và thế hệ trẻ lại chưa thể thay thế là sự thiệt thòi lớn của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, với nhóm người thuộc khu vực sản xuất trực tiếp, lao động vất vả, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần tạo cho họ thời gian linh hoạt khi nâng tuổi nghỉ hưu.
“Đối với lao động nữ, tính từ tuổi 55-60 tuổi, nếu ai còn khả năng làm việc thì có thể về hưu ở tuổi 60, những ai không còn sức khỏe, khả năng làm việc thì có thể về hưu ở tuổi 55, 56, 57… Tương tự, lao động nam có thể nghỉ hưu khi đủ 60, 61 hay 62 tuổi. Chúng ta nâng độ tuổi nghỉ hưu, nhưng cần phải thiết kế linh hoạt”.
Nâng tuổi nghỉ hưu là vấn đề có tác động lớn đến kinh tế, xã hội, do đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng cần thực hiện lấy ý kiến của người lao động một cách cẩn trọng.
Người lao động chịu thiệt?
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng không nên tăng độ tuổi nghỉ hưu. Nguyên nhân do trong những nhóm ngành sản xuất, rất ít lao động có thể đạt đến độ tuổi nghỉ hưu như hiện hành chứ chưa nói đến mức khi đã tăng lên. “Trong ngành dệt may, đa số người lao động về hưu trước tuổi. Pháp luật cũng cho phép lao động ngành dệt may là lao động loại 4 nên có quyền về hưu trước 5 năm. Nhưng ngay cả khi về trước 5 năm, nhiều lao động cũng không đạt được”, ông Cẩm cho hay.
Ông Trương Văn Cẩm lý giải, ngành dệt may có những công đoạn đặc thù như nối chỉ, sợi, nên các lao động nữ từ 40 tuổi trở lên thị lực giảm dần, khó có thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Do vậy, với những ngành như dệt may, da dày, điện tử, người lao động chỉ có thể trụ lại ở dây chuyền đến khi 35-40 tuổi. “Họ phải tự rời đi hoặc bị chủ sử dụng lao động tìm cách sa thải. Đây là điều khó tránh trong cơ chế thị trường như hiện nay”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết thêm theo quy định của BHXH, trường hợp nghỉ hưu khi chưa đủ tuổi theo quy định, người lao động sẽ phải giảm trừ tỷ lệ, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi từ 2%. Trong khi đó, hầu hết lao động trong các ngành sản xuất như may mặc, da dày, điện tử đều không đạt đến độ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Như vậy, mức giảm trừ tỷ lệ mà người lao động phải chịu sẽ rất lớn.
“Khi lương hưu người công nhân đã không cao, nếu tăng tuổi nghỉ hưu kết hợp với chính sách về BHXH, thử hỏi họ còn được bao nhiêu đồng lương hưu”, ông Cẩm lo ngại./.