Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người Dân tộc thiểu số
Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ có 100% là người dân tộc Mông |
Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ có 100% là người dân tộc Mông. Để nâng cao hiệu quả giáo dục, nhà trường đã bố trí giáo viên thông thạo cả hai ngôn ngữ, nhằm tạo thuận lợi trong việc giao tiếp và truyền dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Ngoài ra, hoạt động dạy và học cũng được triển khai lồng ghép, thông qua các đồ vật trang trí, các đồ chơi gần gũi để trẻ dễ hiểu và có thêm kỹ năng giao tiếp, nói tròn vành rõ tiếng Việt.
Cô giáo Đỗ Thị Tình, Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ: "Dạy tiếng Việt cho các con ở đây phải kiên trì, sử dụng song ngữ và ngôn ngữ hình thể, tổ chức cho các con những trò chơi nhỏ, chọn cho các con những câu chuyện, bài thơ ngắn dịch ra tiếng mẹ đẻ của các con, qua đó kiên trì dạy các con để cho các con hiểu và nói được tiếng Việt tốt hơn".
Sau hiệu quả bước đầu của giai đoạn 1, cùng với cả nước, ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai giai đoạn II thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, định hướng đến năm 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, với 5/9 huyện, thành phố tham gia. Trong đó, các cơ sở giáo dục đã tăng cường tạo môi trường học tập, sử dụng tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số thông qua các đồ chơi, học liệu, tổ chức các hoạt động trong sinh hoạt, vui chơi để học sinh có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nhưng vẫn trên cơ sở bảo tồn được tiếng và bản sắc của dân tộc.
Cô giáo Đinh Thị Thương, Hiệu trưởng Trường mầm non Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa: "Chúng tôi đã lập các nhóm Zalo, Facebook để tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, quay những đoạn video ngắn về nói tiếng Việt chuẩn với các cháu để gửi cho các cô giáo và từ đó thì các cô giáo biết được là các cháu đang nói tiếng Việt chuẩn hay chưa để cùng hướng dẫn các cháu nói tiếng việc chuẩn".
Cô giáo Dương Thùy Lê, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cây Thị, huyện Đồng Hỷ: "Đại đa số cô giáo là người kinh, nhà trường cũng đã phối hợp với Hội phụ nữ của xóm mỗi một tuần dạy một tiết học tiếng cho các cô giáo để các cô có vốn từ của người dân tộc để qua đó sẽ thuận lợi trong việc chăm sóc cũng như là tuyên truyền với các bậc phụ huynh về công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ".
Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai giai đoạn II thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” |
Với sự phối hợp với phụ huynh, các hội, đoàn thể địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non đã chủ động và xây dựng được cảnh quan môi trường cho trẻ vùng DTTS một cách phong phú và mang đậm bản sắc văn hóa vùng DTTS, đáp ứng nhu cầu học tập và tăng cường tiếng Việt. Tính đến nay, 100% trẻ DTTS đến lớp đều được tăng cường tiếng Việt; 100 % trẻ mẫu giáo 5 tuổi người DTTS ra lớp được đánh giá hoàn thành chương trình và được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1; 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy vùng DTTS đều tham các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giáo dục phù hợp với trẻ em DTTS, nhờ đó năng lực và phương pháp, kỹ thuật tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ DTTS được nâng lên đáng kể.
Bà Hoàng Thị Huyền, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai cho biết: "Phòng Giáo dục Võ Nhai chúng tôi tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ kinh phí để tăng cường xây dựng bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường học và cũng tham mưu đề xuất với các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp tập huấn để tăng cường kinh nghiệm quản lý cũng như chỉ đạo chung cho toàn cấp học".
Xây dựng môi trường sử dụng tiếng Việt cần gắn liền với cộng đồng dân cư, trong sinh hoạt ở mỗi bản làng, song song với việc sử dụng tiếng dân tộc của trẻ là nhiệm vụ xuyên suốt của đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Để đạt được mục tiêu này này thì không chỉ riêng nhà trường, cả cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương cần chung tay vào cuộc. Đồng thời, các địa phương cần đảm bảo số lượng giáo viên thực hiện công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; cũng như tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để hoàn thành tốt các mục tiêu giáo dục đề ra./.