Tăng cường phối hợp tuyên truyền, giáo dục và quản lý
Một buổi tuyên truyền pháp luật giao thông trong trường học |
Em Nguyễn Hoàng Vinh, ở TP Thái Nguyên nhìn nhận: "Các bạn thường xuyên tạt đường những người đi đường khác, không đội mũ bảo hiểm và sử dụng xe máy điện khi chưa đủ tuổi".
Đó là những lỗi vi phạm thường gặp ở lứa tuổi học sinh được chính các em chỉ ra điều này cho thấy bên cạnh sự thiếu ý thức của một bộ phận học sinh thì đa số các em học sinh đều hiểu biết và tôn trọng các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đó là kết quả có được từ sự phối hợp tuyên truyền giáo dục về trật tự an toàn giao thông giữa lực lượng chức năng, nhà trường và gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Hưởng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình chia sẻ: "Cho con đi học tôi đã mua xe và cũng mua tại hiệu xe, có đăng ký với trường, có nhắc nhở các cháu thực hiện theo luật giao thông, khi đi mang giấy tờ đầy đủ, không đèo ba, đèo bốn, hoặc đi hai bạn thì phải đều đội mũ bảo hiểm".
Cô giáo Phạm Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Nha Trang, TP Thái Nguyên: "Nhà trường đã tổ chức lồng ghép việc tuyên truyền giao thông trong các bộ môn học như môn Giáo dục công dân... Kết hợp với các cơ quan chức năng có chuyên môn tổ chức các hoạt động ngoại khóa thực hành trên sân trường về an toàn giao thông".
Cô giáo Dương Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáon dục thường xuyên TP Sông Công: "Nhiều em cái ý thức cũng chưa thực sự tốt. Tuy nhiên sau khi được tuyên truyền giáo dục, vận động và nhiều hình thức khác các em đã có sự thay đổi trong ý thức, ví dụ như đi đường thì thực hiện nghiêm quy định của pháp luật như là đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, rồi sử dụng phương tiện đúng với quy định của pháp luật về lứa tuổi".
Nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận song thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông sau một tháng cao điểm từ ngày mùng 1/10 đến ngày 31/10, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp thanh thiếu niên học sinh vi phạm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 4.073 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, lập biên bản xử lý 2.613 trường hợp là học sinh, phạt tiền trên 530 triệu đồng. Đáng lưu ý là trong số các trường hợp bị xử phạt có 1.744 trường hợp là học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, chiếm 66,7%; 328 trường hợp không đội mũ bảo hiểm chiếm 12,6%. Đó là những con số đáng lo ngại khi nghĩ đến sự an toàn của các em học sinh và những người xung quanh khi tham gia giao thông.
Tháng cao điểm từ ngày mùng 1/10 đến ngày 31/10 còn rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông |
Khi được hỏi những học sinh vi phạm thường có lý do: "Hôm nay em không đội mũ do em quên";
"Em sử dụng phương tiện này lâu chưa?"
"Em sử dụng cũng được 1 năm rồi"
"Sử dụng 1 năm rồi mà em vẫ không biết là mình chưa đủ tuổi sử dụng phương tiện này?"
"Vâng, tại vì xe này là xe của ông nội để lại em cũng không biết"...
"Khi sử dụng người nhà không trao đổi lại? và em cũng không tìm hiểu gì về phương tiện mình sử dụng à?
"Em thấy xe của em kiểu dáng cũng giống xe của các bạn nên em cũng không nghĩ gì nhiều".
Ông Nguyễn Đức Bạo, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình cho biết: "Bây giờ các phụ huynh học sinh đang tìm mua xe dưới 50 phân khối, xe học sinh nhưng tôi thấy người ta đi tốc độ quá lớn, tôi rất sợ. Xe điện còn đi nhanh hơn cả xe của tôi, xe của tôi 160 phân khối tôi đi còn còn không bằng".
Nguyên nhân vi phạm của các em dù là chủ quan hay khách quan cũng rất đáng lưu tâm, cần phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị đối với các vi phạm ở lứa tuổi học sinh, từ đó sớm đưa ra giải pháp toàn diện và hữu hiệu nhằm triệt để loại bỏ những hành vi thiếu ý thức vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, hình thành văn hóa giao thông, mang lại sự bình yên cho xã hội./.