Tăng cường kết nối số trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Hội nghị có sự tham dự của các Đại sứ, đại diện cơ quan tổ chức nước ngoài và quốc tế tại Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông.
Hội nghị góp phần xác định tầm quan trọng của kết nối số trong nền công nghiệp 4.0, cụ thể là việc đầu tư vào hạ tầng số, dữ liệu, tăng cường khai thác internet băng rộng, mạng 4G và lộ trình đầu tư 5G, đảm bảo an ninh mạng; khuyến kích các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư vào kết nối số với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết Bộ đang trình Chính phủ xây dựng các chính sách ưu tiên để đáp ứng, tạo đà cho sự chuyển đổi các ngành kinh tế, công nghiệp và dịch vụ. Ưu tiên hàng đầu là khuyến khích phát triển hạ tầng số gồm hạ tầng băng rộng, hạ tầng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất...
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, kết hợp giữa phát triển công nghiệp nội địa và thu hút đầu tư nước ngoài.
Việc đón nhận chuyển dịch trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu khu vực về sản xuất thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và các thiết bị sử dụng cộng nghệ internet kết nối vạn vật.
Ngoài ra, để tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng số để người lao động được trang bị các kỹ năng đáp ứng yêu cầu làm việc trong tương lai.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Truyền thông Ấn Độ Ravi Kant nhấn mạnh mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và các nước ASEAN trong đó có Việt Nam để mở rộng quy mô xuất khẩu công nghệ thông tin.
Ấn Độ quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo số, tận dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ, có khả năng làm việc tại nhiều thị trường trên thế giới.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg chia sẻ về kinh nghiệm của Thụy Điển trong sử dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, dịch vụ số ở đô thị, nông thôn… để đưa Thụy Điển trở thành một quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới…
Các diễn giả tham gia hội nghị cũng chia sẻ thông tin về các vấn đề công nghệ đang được thế giới quan tâm như công nghệ 5G và lộ trình phát triển, đầu tư vào công nghệ 5G; các giải pháp về điện toán đám mây, sáng kiến, dự án kết nối số giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cho kết nối số...
Bên lề hội nghị, từ ngày 27-28/9 diễn ra triển lãm "India - ASEAN ICT Expo" với sự tham dự của khoảng 30 doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin của Ấn Độ-Việt Nam.
Các doanh nghiệp tập trung giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp viễn thông, công nghệ thông tin có ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật trong quản lý giao thông, nông nghiệp, ngân hàng… nhằm phục vụ xây dựng thành phố thông minh.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo nên những chuyển đổi mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thậm chí ảnh hưởng tới từng người dân.
Trên thế giới và Việt Nam đã xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, thay đổi trong phương thức sản xuất, chuyển dịch trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Những chuyển đổi này được nhận định là cơ hội và động lực cho các nước đi sau vượt lên thông qua tái định hình cơ cấu sản xuất, dịch vụ của nền kinh tế.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng tầm nhìn, định hướng và chính sách trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, xã hội để tận dụng lợi thế vượt trội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại./.