Tấn công Syria, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ chạm đáy căng thẳng
Hôm 28/1, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm vào lực lượng vũ trang người Kurd tại Afrin, Syria và đã chiếm được một vị trí chiến lược tại khu vực này. Động thái này diễn ra bất chấp trước đó, Mỹ đã cam kết ngừng cung cấp vũ khí cho Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn tại Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi là những kẻ khủng bố. Điều này khiến cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ rơi vào đáy khủng hoảng.
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả cuộc tấn công của người Kurd. Ảnh:Hurriyet. |
Bộ chỉ huy chiến dịch “Nhành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố nêu rõ, sau vài ngày do tầm nhìn hạn chế vì mưa lớn và sương mù, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với pháo binh đã tận dụng điều kiện “trời quang, mây tạnh”, đánh chiếm núi Barsaya, gần vùng Afrin do người Kurd kiểm soát ở Tây Bắc Syria. Khu vực này có vị trí quan trọng khi nhìn ra cả các thị trấn Kilis và Azaz, nằm sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo ghi nhận tại thực địa, các cuộc không kích và pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 28/1 thậm chí còn dữ dội hơn những ngày trước đó. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết đã có 42 dân thường thiệt mạng kể từ ngày 20/1, trong đó có 12 trẻ em.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận việc nã pháo vào các khu vực dân cư. Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, các lực lượng của nước này sẽ quét sạch các phần tử khủng bố ở toàn bộ khu vực biên giới với Syria. Đây là một dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công kéo dài 9 ngày qua của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin có thể sẽ được mở rộng thêm nữa.
Phát biểu tại cuộc họp của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, ông Tayyip Erdogan khẳng định: “Trước đây chúng ta đã dọn sạch nhóm khủng bố tại Jarablus, al-Rai và al-Bab để 130 nghìn người anh em Syria được trở về nhà của họ. Chúng ta cũng sẽ làm điều tương tự tại Afrin. Từng bước, chúng ta sẽ dẹp sạch bọn khủng bố tại toàn bộ biên giới của chúng ta với Syriavà đảm bảo rằng những người anh em Syria đã sống tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở về nhà của họ”.
Trước đó, hôm 20/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch quân sự mang tên "Nhành Ô liu" nhằm đánh bật các tay súng thuộc lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Afrin. Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị cấm hoạt động ở nước này.
Chiến dịch “Nhành Ô liu” được cho là nhằm trả đũa việc Mỹ tuyên bố kế hoạch thiết lập Lực lượng An ninh biên giới dọc biên giới dài 900 km giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd đóng vai trò chủ chốt. Trong khi đó, Mỹ cung cấp vũ khí, huấn luyện cho các tay súng người Kurd trong khuôn khổ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Theo giới quan sát, dù có cùng mục tiêu là chống chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad, nhưng bất kỳ động thái quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin cũng có thể đe dọa nỗ lực của Mỹ nhằm ổn định tình hình ở bắc Syria và nguy cơ đụng độ giữa lực lượng của 2 thành viên NATO đang lớn dần.
Trên thực tế, đối với Mỹ, việc nâng cao sức mạnh và vị thế cho người Kurd ở Trung Đông nhằm khống chế Syria, Irắc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là một chiến lược nhất quán được chính quyền Mỹ thực thi qua nhiều thập kỷ, đây là điều mà kể cả Tổng thống khó đoán như ông Donald Trump cũng không thể loại bỏ.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng chính quyền mới thân phương Tây ở Syria là mục đích cuối cùng của Mỹ. Người Kurd ở Syria là quân bài đối lập quan trọng nhất của Mỹ ở Syria bởi họ là lực lượng duy nhất có thể đối chọi được với chính quyền của Tổng thống Al Assad về chính trị lẫn quân sự. Do đó, chiến dịch tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria sẽ phá bỏ tính toán của Mỹ, khiến quan hệ Mỹ- Thổ sẽ càng thêm căng thẳng.
Về phần mình, với chiến dịch “Nhành Ô liu”, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang đánh một canh bạc nhiều may rủi nếu cuộc chiến này không thể kết thúc sớm. Dù Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, chỉ khi nào người Syria tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể hồi hương, Thổ Nhĩ Kỳ mới chấm dứt tấn công quân sự, nhưng chính chiến dịch “Nhành Ô liu” cũng đang khiến hàng nghìn người Syria bị mất nhà cửa.
Phía người Kurd ở Syria đã chính thức đưa ra lời kêu gọi người dân chống lại sự “xâm chiếm” của Thổ Nhĩ Kỳ với khẩu hiệu “mọi người dân hãy cầm súng”. Do đó, khả năng một cuộc chiến dai dẳng hoàn toàn có thể xảy ra và điều này sẽ khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị sa lầy vào chiến trường Syria điểm nóng bất ổn nhất khu vực trong suốt 7 năm qua.
Dẫu vậy, tia hi vọng về việc “chấm dứt chiến dịch quân sự” của Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn còn, khi mà các cường quốc, trong đó có Mỹ vẫn đang cố gắng tìm kiếm cơ hội đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một động thái mới nhất, Mỹ tuyên bố sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thừa nhận sẽ không để quân đội nước này phải đối đầu với bất cứ lực lượng tham chiến nào tại Syria, bao gồm Nga, Mỹ và chính phủ Syria./.