Sự thật về tổ chức khủng bố Hồi giáo IS hồi sinh ở Iraq hiện nay
Tình trạng hỗn loạn ở Iraq liên quan đến cuộc bầu cử hồi tháng 5 tại quốc gia Trung Đông này (với các cáo buộc về gian lận và các nhóm được sự hậu thuẫn của Iran) đã một lần nữa giúp tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ảnh hưởng lên các cộng đồng Iraq như chúng từng làm vào giai đoạn 2014-2015, khi IS chiếm được 1/3 lãnh thổ Iraq.
Lực lượng quân sự Shiite thu cờ đen của IS trong một trận đánh với quân IS ở Tal Afar, Iraq, hồi tháng 8/2017. Ảnh: Reuters. |
Thực tế này đi ngược lại quan điểm phổ biến ở Washington (Mỹ) cho rằng IS đã bị đánh bật khỏi Iraq.
IS đang trỗi dậy?
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq Mowaffak al-Rubaie nói: “Có nhiều chỉ dấu cho thấy IS rồi sẽ lại trỗi dậy sớm. Quý vị có thế thấy được xu hướng này trong các bút lục và các báo cáo tình báo”.
Đa phần các phiến quân IS còn lại là người Iraq chứ không phải người ngoại quốc. Và do vậy, ít có lý do để xua đuổi chúng khỏi Iraq.
Một nhân tố chính trong sự hồi sinh của IS là khả năng của nó trong việc khai thác tâm lý bất mãn trong người dân Iraq ở những vùng Sunni xa xôi của đất nước Iraq, nơi các chiến binh IS vẫn bám trụ sau khi bị đánh bật khỏi các thành trì ở đô thị.
Các nhân tố khác thúc đẩy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan IS là tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính quyền và sự yếu kém của các lực lượng an ninh Iraq.
Các cuộc biểu tình ở các thành phố miền nam Iraq về các vấn đề như nạn thất nghiệp và tình trạng thiếu điện đang nổ ra nhiều hơn, tạo thêm cơ hội cho IS khai thác sự mệt mỏi của công chúng.
Bốn tam giác tử thần
Cố vấn an ninh Hisham al-Hashimi, một trong các chuyên gia hàng đầu của Iraq về IS, nhận định chiến lược của tổ chức IS hiện nay dựa trên “bốn tam giác tử thần”, nơi các chiến binh có thể ẩn nấp mà không cần sự ủng hộ của dân chúng địa phương.
Trong tam giác thứ nhất, IS sử dụng dãy núi Hamrin làm căn cứ tiến hành các vụ phục kích và tấn công các doanh trại của lực lượng quân đội và cảnh sát chính phủ Iraq. Phần lớn khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của IS.
Trong tam giác thứ 2, bao gồm cả Samarra, IS vẫn chưa thu phục được dân địa phương nhưng các phiến quân IS có thể lui về ẩn náu an toàn khi bị tấn công.
Tam giác thứ 3, nằm giữa Baghdad và Damascus, là nơi IS tiến hành các vụ bắt cóc và đánh bom, phá rối hoạt động buôn bán và đánh cắp hàng hóa thương mại.
Tam giác thứ 4 là vùng sa mạc rộng lớn ở khu vực biên giới với Jordan, Syria và Saudi Arabia.
Thay đổi chiến lược, khai thác tâm lý bất mãn
Chuyên gia al-Hashimi nói: Mục tiêu của các tàn quân IS hiện nay là tạo ra sự hỗn loạn và thách thức độ tin cậy của các lực lượng Iraq, gieo rắc sự hoài nghi giữa lực lượng an ninh và người dân Iraq. Điều này khác với chiến lược của IS trong giai đoạn 2014-2015 là đánh chiếm các thành phố lớn. Tổ chức này giờ có dấu hiệu chuyển hướng thành một nhóm phiến quân hoạt động theo kiểu du kích.
Không quá khó để thao túng tâm lý bất mãn trong dân chúng Iraq. Iraq là một nước có nhiều dầu mỏ nhưng tình trạng buôn lậu ở miền bắc nước này có thể làm thất thoát nhiều tiền bạc cho nhà nước. Bên cạnh đó, những người Iraq mất nhà cửa trong cuộc chiến chống IS ở các đô thị đông người Sunni như là Mosul và Tikrit được cho là đã phải hối lộ các cơ quan do người Shiite nắm giữ thì mới được trở về đây.
Tỷ lệ cử tri đi bầu ở Iraq hồi tháng 5 cũng là một dấu hiệu cho thấy tình trạng không hài lòng trong dân chúng nước này đối với hệ thống chính trị ở đây. Ủy ban bầu cử Iraq đưa ra con số đi bầu là 44,5% trong khi một số nguồn cho rằng tỷ lệ đi bầu thực sự chỉ là gần 20%.
Tòa tối cao của Iraq đã phải ra lệnh kiểm lại phiếu vào hồi tháng 6 sau khi có báo cáo của chính phủ cho rằng có các vi phạm bầu cử nghiêm trọng.
Chiến thắng thuần túy quân sự
Rubaie, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Iraq, tin rằng việc người Iraq thiếu tin tưởng vào một chính phủ mới chỉ có lợi cho IS. Ông cho rằng việc đánh bại IS về mặt quân sự ở Mosul và các thành phố khác mới chỉ là một nửa câu chuyện vì thắng lợi này không giải quyết các nguyên nhân sâu xa đẩy người Iraq tới chỗ gia nhập IS.
Rubaie nói: “Chúng ta tuyên bố chiến thắng trước Daesh (tức IS) nhưng anh định nghĩa thế nào là chiến thắng? Liệu đó có phải là một chiến thắng xã hội? Thưa là không. Một chiến thắng chính trị ư? Cũng không nốt. Kết quả của bầu cử và hậu quả của nó chỉ khuyến khích thêm chủ nghĩa cực đoan”.
Các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đang tiếp tục tấn công các mục tiêu IS ở Iraq. Chỉ riêng từ ngày 9-15/7, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo có 14 cuộc tấn công ở Iraq và Syria.
Tuyên nhiên, lo ngại trước việc liên minh chống IS này rút khỏi Iraq, một số chuyên gia người Iraq cho rằng liên quân cần phải tiến đánh IS ở cả 4 vùng tam giác mà al-Hashimi đã nêu ở trên. Họ cho rằng nếu điều đó không diễn ra thì IS sẽ tiếp tục gia tăng sức mạnh và những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump về chiến thắng trước IS ở Iraq sẽ trở nên trống rỗng hơn nữa./.