Ngày 29/6/2014, tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS tuyên bố một caliphate toàn thế giới đã ra đời, với al-Baghdadi là thủ lĩnh tối cao, một caliph của toàn bộ người Hồi giáo trên thế giới. Khi đó IS đang ở đỉnh cao sức mạnh.

khung bo hoi giao is bi danh liet nua co the khi de mat mosul

Đống đổ nát tại Nhà thờ Lớn Hồi giáo al-Nuri ở Thành Cổ Mosul sau khi quân chính phủ tái chiếm khu vực này. Ảnh: Reuters.

Bước ngoặt mới

Đúng ba năm sau, vào ngày 29/6/2017 các lực lượng Iraq đã chiếm được Nhà thờ Lớn Hồi giáo al-Nuri bên trong khu Thành Cổ của Mosul - thành phố này là thủ phủ trên thực tế của IS ở Iraq và là nơi al-Baghdadi tuyên bố thành lập caliphate “Nhà nước Hồi giáo” hồi năm 2014.

Tháng 10/2016 quân đội, đặc nhiệm và cảnh sát Iraq khởi động chiến dịch tiến đánh Mosul. Đầu năm 2017 họ đã kiểm soát được khu vực phía đông của thành phố. Nay IS co cụm lại bên trong khu vực Thành Cổ nhỏ hẹp.

Với thắng lợi này, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tự tin khẳng định chế độ IS đã sụp đổ ở Iraq. Ông cũng hạ lệnh cho quân đội và cảnh sát truy quét tàn quân IS, đánh chiếm nốt các vị trí cuối cùng của chúng bên trong Mosul, nhằm giải phóng hoàn toàn thành phố này trong vài ngày tới.

Việc kiểm soát được Nhà thờ al-Nuri (đã bị đổ nát nghiêm trọng) có tính biểu tượng cao cho toàn bộ chiến dịch Mosul. Không phải ngẫu nhiên mà IS trước đó khoảng một tuần đã cố tình phá hủy tháp nhà thờ này. Chúng muốn ngăn một biểu tượng rơi vào quyền kiểm soát của quân chính phủ.

Đến lượt mình, chiến thắng tại Mosul lại có tính biểu tượng cho toàn cuộc chiến chống IS ở Iraq. Mosul là một thành phố lớn và chiến lược ở Iraq, đã được IS lấy làm tổng hành dinh của chúng ở Iraq vào tháng 6/2014.

Iraq chính là một nửa địa bàn chính của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (nửa chính còn lại là Syria). Iraq cũng là nơi phát tích của phong trào cực đoan IS, bắt nguồn từ cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào năm 2003.

Trong khi đó, cuộc chiến chống IS ở Raqqa (Syria) đang tiến triển tích cực. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon, riêng “Lực lượng Dân chủ Syria” đã chiếm được 15% diện tích thành phố này và đà tiến công IS là không thể bị đảo ngược.

Với sự hỗ trợ của Mỹ, các lực lượng người Kurd đã bao vây chặt Raqqa, thủ phủ của IS ở Syria và thủ đô trên thực tế của toàn bộ “Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant” (IS).

Hiện các lực lượng chống IS (bao gồm lực lượng của Iraq, Syria và quốc tế) đã giải phóng được 60% lãnh thổ bị IS chiếm, trong đó có 70% lãnh thổ IS ở Iraq và 51% lãnh thổ IS ở Syria. Tổng diện tích mà IS kiểm soát ở “Iraq và vùng Levant” đã thu hẹp thảm hại xuống còn khoảng 40.000km2.

Theo một số chuyên gia, nguồn thu của IS (từ đánh thuế, dầu mỏ...) sụt giảm tới 80%.

Giá xương máu

Cái giá để có được các thắng lợi trên không hề nhỏ. Cuộc chiến ở thành trì Mosul của IS khá khó khăn, lính IS dạn dày trận mạc đã quần nhau quyết liệt với quân chính phủ, từ nhà này sang nhà khác, quyết không đầu hàng.

Khi buộc phải rút lui, IS cho cài thuốc nổ dày đặc ở khu Thành Cổ Mosul để cản trở đà tiến của quân đội và cảnh sát Iraq, gây tiếp thương vong cho họ.

Binh sĩ và cảnh sát Iraq tử trận khá nhiều – ít nhất khoảng hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận công kích Mosul. Hàng ngàn dân thường cũng thương vong, nhiều khi do trúng đạn bom của cả phe chính phủ. Nhiều người bị kẹt trong thành phố rơi vào tình trạng thiếu ăn và thiếu nước trầm trọng.

Theo một sĩ quan đặc nhiệm, có hàng trăm thi thể bị chôn vùi dưới các đống đổ nát trong các cuộc giao tranh.

Khó khăn phía trước

Cuộc chiến vẫn còn khó khăn do IS có thể dùng hàng ngàn người dân làm lá chắn sống. Thành Cổ Mosul có nhiều hành lang nhỏ hẹp. IS đang bám vào dân, sử dụng súng cối, súng bắn tỉa, bẫy mìn và đánh bom tự sát để cố thủ trong khoảng 40% diện tích Thành Cổ.

Dù lãnh thổ mà IS kiểm soát đã thu hẹp đáng kể, hiện tổ chức Hồi giáo cực đoan này vẫn chiếm được một khu vực rộng ngang với nước Bỉ, vắt qua cả Iraq và Syria.

Về mặt “bộ máy chính quyền”, việc IS để mất Mosul, mất Thành Cổ và Nhà thờ Lớn tại đây đồng nghĩa với sự sụp đổ của “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq. Trên phương diện này, Thủ tướng Iraq Abadi có lý khi sớm tuyên bố giờ tàn của IS đã điểm.

Với đà thắng lợi vừa qua ở Iraq, có thể dự kiến rằng các đô thị nhỏ khác ở Iraq hiện vẫn nằm trong tay IS có thể được tái chiếm hết trong năm nay và năm 2018.

Tuy nhiên cuộc chiến chống IS ở Syria vẫn còn cam go, do cuộc tranh giành giữa rất nhiều thế lực quốc tế tại đây. Syria giáp Iraq nên về lý thuyết, Iraq luôn đứng trước nguy cơ IS có thể tuồn người trở lại nước này để “gây dựng lại phong trào”.

Hơn nữa, chỉ xét riêng tại Iraq, nếu nhìn IS ở góc độ phong trào nổi loạn và khủng bố thì chúng chưa hẳn đã chết. Kịch bản nhãn tiền là IS tại Iraq sẽ lui vào hoạt động du kích, theo hướng của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Khi ấy sẽ lại cần thêm nhiều năm nữa mới đánh bại được IS và tẩy rửa hoàn toàn hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan IS đã bám rễ vào một bộ phận dân cư Iraq và mảnh đất Trung Đông.

Không những thế, bản thân xứ Iraq vẫn còn vô vàn mâu thuẫn giáo phái và mâu thuẫn lợi ích giữa các phe nhóm chưa được giải quyết triệt để. Tiêu diệt IS suy cho cùng mới chỉ là chữa trị phần ngọn của bệnh. Ban lãnh đạo cao nhất của Iraq do vậy vẫn còn rất nhiều việc để làm ở phía trước./.