Sóng và máy tính cho em - Hành trình của nhân ái
Đại diện Tỉnh Đoàn Thái Nguyên trao điện thoại phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Tai nạn của người mẹ 10 năm về trước đã khiến cuộc sống của cậu bé Trịnh Đỗ Minh đã khó khăn càng khó khăn gấp bội. Không có ruộng vườn, sinh hoạt của 2 bà cháu chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng ít ỏi. Dù nghèo khó, song Đỗ Minh lại rất hiếu học. Em Trịnh Đỗ Minh, học sinh Trường Tiểu học Phú Xá, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Em mong muốn có thiết bị để tương tác với thầy cô và học trực tuyến".
Bà Nguyễn Thị Huế, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên cho hay: "Thỉnh thoảng, cháu hỏi bà sao không mua thiết bị cho cháu học, gia đình cũng muốn mua nhưng còn nhiều khó khăn".
Cách nhà Minh không xa, là căn nhà nhỏ của cậu bé Dương Huy Hiệu, bố mẹ ly hôn, công việc của mẹ thu nhập không ổn định, bởi vậy mà mọi sinh hoạt và học tập của Hiệu phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của bà ngoại năm nay đã ngoài 80 tuổi. Những ngày nhà trường chuyển sang học trực tuyến, mỗi tuần 1 lần cô giáo chủ nhiệm lại sang hướng dẫn em học tập, song việc thiếu thiết bị cũng khiến việc học của em bị gián đoạn.
Cô giáo Lương Thị Phương, Trường THCS Độc Lập, TP Thái Nguyên cho biết: "Đối với hoàn cảnh như em Hiệu, nếu không có trang thiết bị sẽ rất khó khăn, bởi vì em sẽ không tiếp thu được những kiến thức trên lớp và sẽ bị chậm bài học. Chương trình này rất ý nghĩa thiết thực. đem lại cho các bạn kết quả học tập tốt, khắc phục được tình hình học tập trong thời gian dịch".
Đỗ Minh và Huy Hiệu là 2 trong số hơn 4.700 học sinh của tỉnh Thái Nguyên chưa có thiết bị học trực tuyến khi ngành giáo dục toàn quốc linh hoạt áp dụng các hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp. Những chiếc điện thoại, máy tính bảng được trao tặng đã trở thành món quà vô giá với những em học sinh nghèo hiếu học trong chặng đường theo đuổi ước mơ tri thức.
Bà Nguyễn Thị Huế, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Gia đình tôi đã được các cấp trên, các đơn vị quan tâm, nhờ đó, tương lai của các cháu rộng mở, gia đình rất cảm ơn".
Bà Bùi Thị Yến, phường Trung Thành, TP Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi được các cơ quan, đoàn thể, nhà trường quan tâm đến hoàn cảnh của các cháu, trao tặng cháu phương tiện học tập. Gia đình rất cảm ơn các cơ quan đã tạo điều kiện thuận lợi để cháu học tập".
Qua rà soát tại thời điểm phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngoài hơn 4.700 học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị học trực tuyến, Thái Nguyên còn 122 điểm, khu vực chưa có hạ tầng internet, 95 điểm lõm sóng 3G, 133 điểm lõm sóng 4G, đặc biệt có nhiều điểm lõm tại các khu vực có trường học. Với việc huy động nhiều nguồn lực vào công tác an sinh xã hội, tỉnh đã vận động kinh phí được 10 tỷ 500 triệu đồng mua hơn 4.300 máy tính bảng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn chưa có thiết bị học tập trực tuyến và gói cước 4G.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao máy tính bảng cho các em học sinh nghèo hiếu học. |
Những ngày cuối cùng của năm 2021, trong bộn bề các công việc của ngày cuối năm, những đoàn công tác của tỉnh đã đến từng điểm trường và trao tận tay học sinh nghèo hiếu học những chiếc máy tính bảng và sim 4G để thắp sáng thêm ước mơ cho học trò nghèo, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lắp đặt các trạm 4G, hoàn thành phủ sóng 100% các xóm chưa có sóng hoặc sóng yếu 3G; hỗ trợ các em học sinh cài đặt các phần mềm học trực tuyến đảm bảo an toàn, an ninh mạng; bảo hành các thiết bị trao tặng theo quy định.
Em Lý Thị Xuyến, Trường Tiểu học Tân Long, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Gia đình em rất khó khăn, có máy tính bảng sẽ giúp em học trực tuyến tốt hơn".
Bà Lương Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bách Quang, TP Sông Công cho biết: "Nhà trường rất vinh dự, phấn khởi khi các em học sinh được nhận thiết bị học tập; đặc biệt, khi các em học trực tuyến sẽ hỗ trợ cho các em phương thức học tập. Nhà trường sẽ có trách nhiệm cùng với phụ huynh, các thầy cô giáo hướng dẫn các em sử dụng thiết bị đạt được tối ưu nhất và phục vụ cho việc học được tốt nhất".
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Số học sinh thuộc các hộ nghèo và nằm trong diện được trang bị máy tính bảng để phục vụ cho việc học tập trực tuyến sẽ được nhận máy tính bảng trước ngày 10/1. Ngành Thông tin và Truyền thông và các nhà cung cấp mạng như Viettel, VNPT đã có cam kết với tỉnh để tạo điều kiện tối đa, bởi hiện còn nhiều vùng lõm sóng; vùng lõm sóng sẽ được cải thiện trong thời gian tới".
Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, chăm lo cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, để con đường chinh phục tri thức của trẻ nhỏ không bị gián đoạn bởi đại dịch tiếp tục khẳng định chủ trương xuyên suốt của Thái Nguyên trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội - đó là Không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch./.