Theo PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn của chương trình giáo dục phổ thông mới, sau 3 tháng công bố dự thảo Chương trình (CT) Ngữ văn mới, Ban soạn thảo nhận được rất nhiều ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến ngược nhau.

Ban soạn thảo đã nghiên cứu và giải trình về nhiều vấn đề. Riêng về phạm vi tác phẩm bắt buộc và tự chọn, tiếp thu ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu và các thầy, cô giáo, CT Ngữ văn mới đã điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các tác phẩm bắt buộc.

Cụ thể như sau:

Định hướng mở rộng ngữ liệu:

PGS Đỗ Ngọc Thống cho hay, dựa vào 9 tác gia và các tác phẩm được học trong CT và SGK hiện hành, lựa chọn và bổ sung một số TP có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn, với 3 cấp độ: tác phẩm bắt buộc (tác giả SGK và GV bắt buộc thực hiện theo quy định của CT), tác phẩm bắt buộc chọn (tác giả SGK bắt buộc lựa chọn trong số TP cùng cấp độ theo quy định của CT), tác phẩm tự chọn (tác giả SGK tự lựa chọn theo gợi ý của CT).

se them tac pham bat buoc trong chuong trinh mon ngu van moi

Danh mục các văn bản ngữ liệu:

Các tác phẩm bắt buộc

- Nam quốc sơn hà tương truyền của Lí Thường Kiệt - Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn - Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (có bài khái quát về đọc tác gia Nguyễn Trãi) - Truyện Kiều của Nguyễn Du (có bài khái quát về đọc tác gia Nguyễn Du) - Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu - Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh (có bài khái quát về đọc tác gia Hồ Chí Minh)

Tác phẩm tự chọn bắt buộc

Tác phẩm văn học dân gian

- Chọn ít nhất 4 tác phẩm trong các truyện sau, mỗi tác phẩm đại diện cho một thể loại (truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười): Sơn Tinh Thủy Tinh, Bánh chưng bánh giầy, Thánh Gióng; Thạch Sanh, Em bé thông minh, Cây khế; Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Đẽo cày giữa đường; Con rắn vuông, Lợn cưới, áo mới. - Chọn ít nhất 3 bài ca dao về các chủ đề: quê hương đất nước; tình yêu, tình cảm gia đình; con người, xã hội (trữ tình hoặc trào phúng). - Chọn ít nhất 1 tác phẩm trong các sử thi sau: Đăm Săn, Đẻ đất đẻ nước, Xinh Nhã. - Chọn ít nhất 1 tác phẩm trong các truyện thơ sau: Sống chụ son sao, Tiếng hát làm dâu. - Chọn ít nhất 1 kịch bản chèo hoặc tuồng trong các tác phẩm sau: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham (chèo); Nghêu Sò Ốc Hến, Trương Đồ Nhục, Trương Ngáo (tuồng) Tác phẩm văn học viết, chọn ít nhất 1 tác phẩm của mỗi tác giả sau đây: - Thuật hứng (số 24), Thư lại dụ Vương Thông, Ngôn chí (số 20), Bảo kính cảnh giới (số 43) của Nguyễn Trãi - Độc Tiểu Thanh kí, Long thành cầm giả ca, Phản chiêu hồn của Nguyễn Du - Tự tình 2, Mời trầu, Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương - Lục Vân Tiên, Chạy Tây, Ngóng gió Đông của Nguyễn Đình Chiểu - Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, Ông Nghè tháng Tám, Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến - Mộ, Vọng nguyệt, Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Thuế máu, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của Hồ Chí Minh - Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn, Đôi mắt của Nam Cao - Số đỏ, Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng - Vội vàng, Đây mùa thu tới, Nguyệt cầm, Thơ duyên của Xuân Diệu - Từ ấy, Khi con tu hú, Việt Bắc, Lượm, Mẹ Tơm, Ta đi tới, của Tố Hữu - Vũ Như Tô, Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng - Chữ người tử tù, Cô Tô, Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. - Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ.

Các tác phẩm tự chọn: nêu ở Phụ lục.

Danh mục văn bản gợi ý ở Phụ lục không phải là tất cả ngữ liệu của các lớp, cũng không bắt buộc, mà chỉ là những ví dụ minh hoạ về thể loại, kiểu văn bản, đề tài và sự phù hợp với nhận thức, tâm lí lứa tuổi; nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe ở mỗi lớp.

Các tác giả sách giáo khoa có thể dựa vào đây để lựa chọn và tự tìm thêm các văn bản tương tự về thể loại và độ khó để biên soạn miễn là đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu mà CT đã nêu.

Cũng theo PGS Đỗ Ngọc Thống, Ban xây dựng CT Ngữ văn đã chỉnh sửa theo hướng nêu trên để chuẩn bị trình Hội đồng thẩm định quốc gia vào cuối tháng 4 này. Sau thẩm định tiếp tục sẽ chỉnh sửa theo kết luận của Hội đồng.