Sau 5 năm tái cơ cấu, nông sản Việt Nam có mặt tại 180 quốc gia
Sáng 10/11, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả to lớn, trước hết và quan trọng nhất là đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thống nhất quan điểm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cũng như của toàn xã hội vì sự cần thiết phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (Ảnh: Baochinhphu) |
Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tăng nhanh, tỷ trọng các sản phẩm có lợi thế và sản phẩm đã qua chế biến. Nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước đó.
Kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với 3.452 xã, đạt 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm nhanh từ 14,1% năm 2012 xuống còn khoảng 8% vào năm 2017. Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/người tăng gần 10 triệu đồng/lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,1% xuống còn khoảng 8%….
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, các đại biểu cho rằng, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chiến lược lâu dài, đòi hỏi có tầm nhìn xa. Vì vậy, cần có thêm các cơ chế, chính sách mới để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả Đề án xây dựng và phát triển 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khuyến khích để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, cần tiếp tục có bước gia tăng về tái cơ cấu nông nghiệp bằng cách rà soát lại từng ngành hàng để tập trung vào những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế và những nhóm hàng hóa mà thế giới đang có nhu cầu cao. Trên cơ sở đó, ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu, cũng như cập nhật yếu tố thời đại, đặc biệt giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 để tổ chức sản xuất các ngành hàng hiệu quả và bền vững. Đồng thời, thúc đẩy nhanh hơn kinh tế nông thôn để lao động nông nghiệp rút nhanh hơn nữa thì mới có đủ điều kiện tổ chức nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp và hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gợi ý, cơ cấu lại ngành nông nghiệp góp phần giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây là quá trình đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực, cần sự chung tay, sự sâu sát của các ban, Bộ ngành liên quan và cả hệ thống chính trị, nhất là sự chủ động, tích cực của mỗi người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học./.