Đến ngày 13/11, diện tích đất sản xuất cà phê của người dân bị sạt lở đã lên hơn 30ha, tăng 10ha so với thời điểm trước cơn bão số 12.

Điều đáng nói, nguyên nhân xảy ra hiện tượng này vẫn chưa được cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng xác định.

sat lo dat bat thuong o lam dong nghi do dao vang trai phep

Đã có hơn 30ha cà phê của người dân bị chôn vùi.

Địa điểm xảy ra hiện tượng sạt lở, trượt đất tại đồi Chơ Niên, thuộc địa bàn xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà , tỉnh Lâm Đồng.

Đây là khu vực canh tác cà phê ổn định của hàng trăm hộ dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời điểm bắt đầu xảy ra hiện tượng sạt lở, trượt đất là 1 tháng trước, lúc này chỉ có một số điểm sạt lở nhỏ và trượt đất nhẹ, nhưng sau đó phạm vi tăng dần và nhanh chóng lan ra trên diện rộng với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

sat lo dat bat thuong o lam dong nghi do dao vang trai phep

Hiện tượng sụp lở, trượt đất trong khu vực chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ông Nguyễn Văn Đình (ở thôn Yên Thành, xã Đạ Đờn), trước tình trạng sạt lở, trượt đất diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, người dân nơi đây đang rất lo lắng khi rơi vào cảnh mất đất, mất vườn.

“Từ trước đến giờ chưa bao giờ chứng kiến cảnh sạt lở đất như thế này. Người dân rất hoang mang. Lo lắng nhất là đa số ai cũng nghèo, mỗi người chỉ được ít đất để canh tác nhưng giờ bị sạt lở hết thì sẽ rơi vào cảnh vô cùng khó khăn”.

sat lo dat bat thuong o lam dong nghi do dao vang trai phep

Không thể xác định được ranh giới, nhiều hộ dân đối mặt cảnh mất đất, mất vườn.

Nhận định bước đầu của chính quyền địa phương huyện Lâm Hà, nguyên nhân gây ra sạt lở, trượt đất là do khu vực này có hình đồi dốc, nền đất yếu kèm theo mưa lớn kéo dài gây ra hiện tượng này.

Tuy nhiên, theo nhận định từ phía người dân, hiện tượng này xảy ra do có sự tác động của nạn đào vàng trái phép từ nhiều năm trước.

sat lo dat bat thuong o lam dong nghi do dao vang trai phep

Sạt lở, trượt đất đã tạo thành các khu vực sâu nguy hiểm.

Ông Ha Sang (ở thôn Đa Nung B, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà) cho rằng, nước mưa theo các miệng hầm chảy sâu vào trong lòng đất, sau đó tạo thành các mạch nước ngầm khiến nền đất trong khu vực bị yếu là nguyên nhân gây ra sạt lở, trượt đất.

“Hiện tượng sạt lở đất hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại đã gây mất hết tài sản của người dân. Khoảng 7-8 năm trước, trên đồi này có khai thác vàng trái phép, để lại rất nhiều hầm. Rất có thể nước mưa đi vào trong hầm đó rồi tích tụ thành mạch nước, thành các dòng chảy bên trong rồi mới xảy ra hiện tượng này”, ông Sang nhận định.

sat lo dat bat thuong o lam dong nghi do dao vang trai phep

Trong khu vực xuất hiện nhiều khe nước như lòng suối.

Tính đến thời điểm này, khu vực sản xuất đồi Chợ Niên của xã Đạ Đờn đã có hơn 30ha diện tích cà phê của người dân bị vùi lấp, tăng hơn 10ha so 1 tuần trước.

Tại đây, đã hình thành nhiều dòng nước chảy bậc thang, nhiều vị trí tạo rãnh, hố sâu từ 3m đến 5m.

sat lo dat bat thuong o lam dong nghi do dao vang trai phep

Bùn đất đã tạo thành dòng chảy đặc quánh, kéo dài cả km, xẻ đôi quả đồi Chơ Niên.

sat lo dat bat thuong o lam dong nghi do dao vang trai phep

Tuần trước, khu vực cuối chân đồi này là những vườn cà phê xanh tốt, giờ đã bị đất vùi lấp.

Theo ông Lê Văn Thiêm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lâm Hà, tình trạng sạt lở đất ở khu vực này đã diễn ra rất nghiêm trọng, cần phải có cơ quan chuyên môn khảo sát và đánh giá để sớm có phương án khắc phục.

“Qua kiểm tra nhận thấy tình trạng sạt lở diễn ra rất nhanh. Nhìn chung tình trạng sạt lở này có biểu hiện rất nghiêm trọng. Để khắc phục sự cố này thì đề nghị tỉnh cử các ngành xuống để kiểm tra, đánh giá, rồi có giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, ông Thiêm nói./.