Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cần cơ hội “cất cánh”
Bình chọn, tôn vinh, trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017 và Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu là chuỗi hoạt động nằm trong Chương trình khuyến công Quốc gia năm 2017 do Bộ Công Thương chủ trì và tổ chức thực hiện.
Đại diện Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, năm nay sẽ có 102 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thuộc các nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhóm sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và đồ uống; nhóm sản phẩm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí… được bình chọn và tôn vinh.
Theo kế hoạch, Lễ tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017 (cũng là lần tôn vinh thứ 2 đối với các sản phẩm này) sẽ được diễn ra vào ngày 20/9 tại Hà Nội.
Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến. (Ảnh minh họa: KT) |
Cùng với Lễ tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, các hội thảo, tọa đàm nhằm thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tìm kiếm cơ hội phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn ra thị trường thế giới cũng như trong khu vực ASEAN...
Với tư các chuyên gia tư vấn độc lập, Họa sĩ Vũ Huy Thiều - chuyên gia thủ công mỹ nghệ đánh giá cao chương trình bình chọn và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia cũng như hiệu ích kinh tế - xã hội mà chương trình mang lại.
“Mặc dù chúng ta mới tổ chức tôn vinh cấp quốc gia được 1 lần nhưng hiệu quả từ chương trình này rất lớn. Thông qua chương trình bình chọn và tôn vinh sản phẩm, các doanh nghiệp đã có sự đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm… nhờ đó có những đơn hàng đã tăng gấp 3-4 lầ, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động”, ông Thiều dẫn chứng.
Còn theo ông Ngô Quang Trung - phụ trách Cục Công nghiệp địa phương, việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được thực hiện theo cấp (gồm cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia).
Trong đó, tiêu chí bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của từng cấp được đánh giá cụ thể theo từng nhóm sản phẩm (gồm tiêu chí về đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; Tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; Tiêu chí về tính văn hóa và thẩm mỹ; Tiêu chí khác).
Cũng theo ông Ngô Quang Trung, tiêu chí quan trọng nhất của Ban tổ chức đặt ra là lựa chọn những sản phẩm có tính ứng dụng cao, có thể mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm. Vì vậy, sau khi công nhận và tôn vinh các sản phẩm này, Bộ Công Thương sẽ quan tâm đến việc hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, thị trường:
“Trên cơ sở công nhận sản phẩm tiêu biểu, Bộ sẽ tiếp tục có các chương trình hỗ trợ về ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ… từ đó giúp doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn trong các chương trình xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu, hỗ trợ truyền thông, hội chợ triển lãm cũng như tham gia xây dựng các sàn giao dịch điện tử”, ông Trung cho biết.
Có thể thấy, hoạt động bình chọn, tôn vinh trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia ngoài việc động viên, khích lệ những tổ chức, cá nhân, các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm chất lượng cao. Hoayk động này còn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở công nghiệp nông thôn giới thiệu các sản phẩm và trao đổi với các đối tác, tạo ra mối liên kết thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc trong quá trình thực hiện chương trình tổ chức bình chọn, tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu theo các chuyên gia, có thể do công tác tuyên truyền còn chưa được đầy đủ, sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nên nhiều sản phẩm nếu đem so sánh với mặt bằng ngoài thị trường vẫn chưa vượt trội hơn hẳn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm rất tốt nhưng chưa tham gia vào chương trình này.
Bà Phạm Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chia sẻ, nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tốt, nhưng lại chưa biết viết hồ sơ tham gia và hoàn thành các yêu cầu của một bộ hồ sơ để tham dự chương trình. Vì vậy, ngoài việc đến trực tiếp để tìm hiểu thực tế hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, các chuyên gia còn tư vấn, quảng bá miễn phí cho doanh nghiệp về cách làm đúng, khoa học để phát triển bền vững.
“Ban Tổ chức chấm điểm và nhận thấy, nhiều sản phẩm tham dự mặc dù có chất lượng rất tốt nhưng doanh nghiệp đó lại chưa tuân thủ những quy định về môi trường, xử lý chất thải…Từ thực tế này, Ban tổ chức đã khuyến nghị với các doanh nghiệp cần tuân thủ tốt hơn những tiêu chí tham dự, điều này không những giúp cho sản phẩm được đề cao, quan trọng hơn là cả quá trình phát triển bền vững cho mỗi doanh nghiệp”, bà Giang nhận xét.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến nay, mức độ gia tăng doanh thu từ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sau khi được tôn vinh mới chỉ đạt gần 20%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm được tôn vinh đã tăng khoảng 47%./.