Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Sản phẩm đồ gỗ của Làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình |
Huyện Phú Bình là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Trong đó nổi bật là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Riêng trong năm 2020, huyện có đến 5 trong tổng số 30 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của toàn tỉnh.
Anh Dương Hữu Tuyên, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình chia sẻ: “Qua quá trình phấn đấu, sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tôi rất phấn khởi, sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa, để sản phẩm của mình phát triển, đến nhiều thị trường hơn nữa.”
Hội đồng bình chọn chấm điểm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020 |
Nhằm tôn vinh, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Ngay trong tháng 10 vừa qua, Cục Công thương địa phương, thuộc Bộ Công thương đã phối hợp với Sở Công thương Thái Nguyên tổ chức chấm điểm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020 đối với 174 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến từ 28 tỉnh khu vực phía Bắc. Tham gia hoạt động này, tỉnh Thái Nguyên có 14 sản phẩm, trong đó có 12 sản phẩm về chè, 1 sản phẩm tương nếp, và 1 sản phẩm mỳ phở. Những sản phẩm tham gia chương trình đều là sản phẩm tiêu biểu của các địa phương và được cơ sở sản xuất chú trọng đầu tư.
Tiến sỹ Trương Hương Lan, Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công thương cho biết: “Mỗi năm chúng tôi chấm chúng tôi lại thấy những tiến bộ vượt bậc, nhiều doanh nghiệp nhỏ có hướng đầu tư hay, mô hình không phải quá lớn. Có doanh nghiệp còn đưa ra được sản phẩm của mình là trà hữu cơ.”
Thái Nguyên có 14 sản phẩm tham gia bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2020 |
Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là dịp để các cơ sở sản xuất kinh doanh khẳng định được chất lượng sản phẩm, từ đó có giải pháp để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng quy mô và thị trường. Tuy nhiên, qua bình chọn cũng cho thấy những hạn chế như: số lượng sản phẩm tham gia bình chọn ít, nhất là ở những làng nghề, làng nghề truyền thống; công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế...
Đề cập về những giải pháp khắc phục hạn chế này, Tiến sỹ Trương Hương Lan, Viện Công nghiệp thực phẩm, Bộ Công thương nêu ý kiến: “Thái Nguyên vẫn phải duy trì được thương hiệu của mình về truyền thống đặc biệt của mình theo hướng tiến bộ, như sản xuất khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đưa thương hiệu của mình phát triển, chứ không nên phát triển theo hướng công nghiệp hóa.”
Phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn tại địa phương phát triển là mục tiêu các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đặt ra. Do vậy, các cơ quan chức năng tích cực hơn trong việc đẩy mạnh hoạt động khuyến công nhằm phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mỹ nghệ ở nông thôn. Đồng thời mở rộng liên kết để có nhiều sản phẩm cung ứng thị trường./.