Sân khấu chèo: Đường trường vẫn lắm chông chênh
Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2016 diễn ra từ ngày 24/9- 8/10 “đã kết thúc tốt đẹp”. 27 vở diễn của 16 Nhà hát, đoàn nghệ thuật chèo trên cả nước đã về dự đầy đủ.
Có thể nói đây là là lần đầu tiên có một kỳ thi (Hội diễn) có nhiều vở diễn tham dự đến thế. Làng chèo lại được tụ hội. Đêm khai mạc, những cái bắt tay nồng ấm, nhưng tiếng lao xao tìm nhau, những cái ôm thật chặt chặt và cả những giọt nước mắt, niềm vui xen lẫn nỗi buồn cứ trào dâng trong lòng mỗi nghệ sĩ. Vui bởi được gặp nhau, được chia sẻ những tình cảm sâu nặng với chèo và buồn vì chèo “đường trường vẫn lắm chông chênh”.
Vở diễn "Đời luận anh hùng". |
Yếu nhất vẫn là khâu dịch tích
Các cụ dạy rằng “có tích mới dịch nên trò”, tuy nhiên ở cuộc thi này, tích hết sức yếu. Như nhiều lần tôi đã trình bày: Nghệ thuật viết chèo đang thiếu trầm trọng đội ngũ tác giả lành nghề và có nghề. Để viết được một vở chèo người viết không chỉ biết “dịch tích”, tức là biết chèo hóa câu chuyện mà còn phải biết kết cấu của kịch bản (chặt chẽ, mang được nhiều yếu tố như chân, thiện, mĩ…).
Tuy nhiên, điều hết sức quan trọng, một trong những yếu tố làm nên chất chèo là tính văn học. Lời ca phải chau chuốt, mang tính văn học cao, ngôn ngữ lãng mạn, bay bổng mà vẫn phải là ngôn ngữ của kịch bản không phải là làm thơ, đánh bóng chữ trong kịch bản. Trong Cuộc thi Kịch bản chèo, ngoài Kịch bản của TS Trần Đình Ngôn và cố tác giả Trần Đình Văn thì kịch bản chèo “xịn” chưa có. Đấy là chưa kể đến một yếu tố làm hỏng chèo, méo mó chèo, nhân danh chuyển thể chèo mà không viết nổi một câu nói thơ cho có vần, một câu hát cho đúng niêm luật thơ của chèo cổ… vì vậy chèo thành chéo, thành chẹo.
Trộm nghĩ, “trò nhời” là thành phần hết sức quan trọng, nó làm nên “một nửa” vở diễn, người ta nghe nói lọt tai, nghe hát ngọt ngào câu chữ cũng đã là thành công một nửa.
Vở diễn "Cánh chim trắng". |
… Và dịch trò
Sân khấu nói chung và sân khấu chèo nói riêng chủ yếu là để xem. Vậy yếu tố xem là then chốt, xem ở đây là xem diễn, diễn viên của vở ấy diễn gì, diễn như thế nào. Phần lớn các vở diễn tham gia cuộc thi năm nay có yếu tố để xem. Bên cạnh các yếu tố hết sức quan trọng làm nên sức hấp dẫn của một vở diễn: Hát, múa, âm nhạc, mĩ thuật… thì trò diễn là điểm nhấn lớn, nó quyết định sự thành bại của một vở diễn. Tuy nhiên, ở cuộc thi này có những kịch bản rất có tích, nhưng đạo diễn vì nhiều yếu tố đã chưa dịch nên trò. Vì vậy mà một số vở diễn, diễn viên hát ngọt ngào truyền cảm mà bạn diễn và khán giả vẫn chép miệng “nhạt “.
Thực lòng mà nói, các đạo diễn trẻ đang hết sức tìm tòi sáng tạo, cũng vất vả, lăn lộn với chèo. Mong rằng, sau cuộc thi này, các đạo diễn trẻ sẽ rút được bài học kinh nghiệm để biết “bày trò” nhưng cũng phải rất chèo cho vở diễn.
Âm nhạc và Mĩ thuật
Điều đáng mừng là Cuộc thi Sân khấu Chèo toàn quốc năm 2016 này đã xuất hiện rất nhiều gương mặt nhạc sĩ trẻ, hầu hết trong số họ đều dưới 40 tuổi. Họ đã học tập, rèn luyện và đã có những thành công nhất định cho âm nhạc nhiều vở diễn. Đó là Đào Tuấn Hải, sinh năm 1979 nhưng đã có tới 7 vở diễn mời anh viết nhạc, rồi Kim Hoàn, Tiến Mạnh, Vũ Thiềng, Phạm Vương..đã tạo nên sinh khí mới cho âm nhạc mỗi vở diễn và làm nên thương hiệu của chính mình.
Còn mĩ thuật vẫn không có đột phá trong các trình thức. Vẫn là bục bệ chật cứng, vẫn là cảnh trí xanh đỏ, tìm vào bắt mắt, thiếu tính ước lệ và tượng trưng (tốn kém mà không hiệu quả).
Vài nét về đội ngũ diễn viên
Có thể nói gần 1.000 diễn viên của 16 Nhà hát, đoàn nghệ thuật đang nỗ lực hết sức để vừa kiếm sống, vừa giữ lửa cho chèo. Chính họ đamg hàng ngày, hàng giờ đối mặt với những thách thức: làm nghề hày làm tiền. Cơm áo không đùa với người nghệ sĩ. Tuy nhiên, vở diễn vẫn phải là vở diễn, dưới ánh đèn sân khấu không có chuyện nghệ sĩ khó khăn nên diễn xuất có vậy.
Trong cuộc thi năm nay, có cảm giác yếu tố phong tặng NSND, NSƯT lấn át rất mạnh, ảnh hưởng đến tâm lý nghệ sĩ vô cùng. Nghệ sĩ nào cũng muốn cố gắng để dành huy chương, để được xét phong tặng nên mạnh ai người nấy diễn, vì vậy mà vở diễn bị kéo dài phi logic. Có vở diễn nhân vật chính thành phụ, phụ lại thành chính.
Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận nhiều nghệ sĩ trẻ của làng chèo đang ngày đêm học tập, rèn luyện, phấn đấu để có được giọng hát, vai diễn thành công
Chèo ơi về đâu?
Câu hỏi nhiều năm nay chưa dễ trả lời. 27 vở diễn, 16 nhà hát, đoàn nghệ thuật, gần nửa tháng quần tụ để đua sức tranh tài, hàng nghìn diễn viên, nhạc công, họa sĩ, nhạc sĩ, âm thanh, ánh sáng… nhưng tất cả chưa nói lên điều gì. Vẫn còn đó những bộn bề lo toan, những đau đáu cho “Duyên phận phải chèo”.
Và giá như nghệ thuật chèo được nhà nước đầu tư nhiều hơn. Giá như nhà chỉ đạo nghệ thuật của mỗi nhà hát, mỗi đoàn chịu khó mày mò, tìm tòi những công tác viên gan ruột và có trình độ hơn. Giá như đội ngũ diễn viên vì chèo hơn vì mình. Giá như mỗi tác giả chuyển thể biết chèo, hiểu chèo sâu hơn. Giá như khán giả yêu thương chèo hơn…
Tất cả vẫn còn bộn bề trămmối. Chèo vẫn hát câu: “đường trường chông chênh”./.